Menu Close Menu
Quay lại

Thành công trong sản xuất thủy sản công nghệ cao

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

22/05/2023 : 00:05

Bằng niềm đam mê, sự tìm tòi học hỏi, dám nghĩ, dám làm, anh Lê Văn Việt (41 tuổi) ở xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương là người tiên phong và thành công trong sản xuất thủy sản công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Sự thành công của anh là nguồn động lực to lớn để cổ vũ, tiếp lửa cho các thế hệ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang chuyên ngành kỹ sư thủy sản năm 2005, anh Việt về làm kỹ sư chế biến tại Công ty CP Nam Việt (NAVICO). Chỉ sau một thời gian ngắn, anh Việt được giao vị trí quản lý một nhà máy chế biến với mức lương “khủng”. Ai cũng nghĩ anh sẽ gắn bó với nơi này, nhưng với anh Việt ước mơ biến tiềm năng sẵn có tại quê hương trở thành mô hình kinh doanh có giá trị kinh tế luôn được ấp ủ chờ ngày thực hiện.

Năm 2010, rời bỏ vị trí lương cao việc tốt, anh trở về quê hương cùng người nông dân xã Hồng Hưng (Gia Lộc) lập nghiệp trên vùng đất trũng, thực hiện ước mơ làm giàu. Một năm sau, anh Việt đã tích tụ được khoảng 10 ha đất, cùng với 8 thành viên khác thành lập Hợp tác xã sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt.

Khởi nghiệp từ 5.000 m2 ao ban đầu với số vốn gần 100 triệu đồng, anh Việt đã tìm tòi, học hỏi và không ngừng cải thiện phương pháp nuôi để nâng cao năng suất cũng như chất lượng cá thương phẩm. Từ cách nuôi theo phương pháp cũ nhưng áp dụng khoa học, kỹ thuật xử lý môi trường, đến mô hình ao nổi cải tiến hơn, tiết kiệm chi phí ban đầu, tăng chất lượng môi trường ao nuôi. Chính vì vậy, ngay trong vụ đầu tiên thả nuôi, anh Việt khiến nhiều nông dân nuôi cá ở địa phương kinh ngạc khi năng suất cá thu được lên đến 30 tấn/ha, trong khi nuôi theo phương pháp truyền thống chỉ đạt 5-7 tấn/ha.

Để đạt được kết quả này, anh Việt chia sẻ: “Bí quyết chỉ ở chỗ chúng tôi quản lý môi trường ao nuôi tốt, sử dụng thiết bị để tăng lượng ôxy trong môi trường nước chứ không đợi đến khi cá nổi lên mới quạt máy như bà con. Chúng tôi cũng trộn các chế phẩm sinh học, men vi sinh để thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cá, giúp cá lớn nhanh và khỏe mạnh”.

Đến năm 2015 - 2016, anh Việt và các thành viên của Hợp tác xã sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt nhận thấy cần phải thay đổi phương thức chăn nuôi và phải áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua việc đi học hỏi kinh nghiệm, anh Việt đã lựa chọn áp dụng công nghệ nuôi cá “sông trong ao” của Israel vào sản xuất. Qua nghiên cứu, anh nhận thấy sản phẩm được nuôi trong mô hình này có chất lượng tốt; giảm được tác động của các điều kiện môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai; giảm chi phí nhân công, chi phí tiền điện, chi phí thuốc và chế phẩm xử lý môi trường; giảm chi phí nhân công đánh bắt khi thu hoạch.

Anh Việt đã lựa chọn áp dụng công nghệ nuôi cá “sông trong ao” của Israel vào sản xuất 

Nuôi cá theo mô hình "sông trong ao" giúp nâng cao chất lượng cá thương phẩm, cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên, sinh trưởng đồng đều, giảm được dịch bệnh trong quá trình nuôi, giảm các tác động của môi trường đối với vật nuôi, tiết kiệm được nguồn nước, hướng tới nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong các bể lớn, anh Việt xây dựng đáy thảm bê tông cứng, có máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước liên tục tạo dòng chảy tuần hoàn. Máy hút chất thải xuống bể lắng hàng ngày, giúp nước ao luôn sạch. Diện tích thực nuôi thả cá “sông trong ao” rất nhỏ chỉ khoảng 1/10 diện tích ao đưa vào sử dụng, mật độ nuôi thả cá rất cao, thuận lợi cho quản lý và chăm sóc. Cá không dịch bệnh, cho năng suất 200 tấn/ha/năm, cao. gấp gần 7 lần so với cách nuôi truyền thống. Đây cũng là mô hình thủy sản công nghệ cao đầu tiên tại Hải Dương.

 Để phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, ngoài việc duy trì và phát triển Hợp tác xã, tháng 4/2017, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Xuyên Việt được thành lập với 7 cổ đông và vốn điều lệ của công ty là 20 tỷ đồng, anh Việt là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty

Từ ngày áp dụng mô hình mới, thu nhập của mỗi thành viên trong Hợp tác xã được cải thiện đáng kể. Từ 10 thành viên ban đầu, trước sức hút của mô hình, đến nay Hợp tác xã đã mở rộng quy mô với 52 thành viên gồm các thành viên nằm trên địa bàn huyện Gia Lộc, một số huyện khác trong tỉnh Hải Dương hay ở các tỉnh khác như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… với diện tích sản xuất 150 ha. Mỗi năm Hợp tác xã cung ứng cho thị trường 10.000 tấn cá và 100 triệu con cá giống các loại. Tổng doanh thu đạt 200 tỷ đồng/năm, trong đó có doanh thu kinh doanh một số sản phẩm khác như các chế phẩm sinh học xử lý nước ao nuôi, thuốc thủy sản, gạo Cỏ may, nước mắm Biển bạc… Năm 2022, có 6 sản phẩm chế biến của Hợp tác xã đã đạt OCOP 3 sao gồm: chả cá ROCA, nem cá ROCA, ruốc cá ROCA, xốt ROCA nướng thịt, xốt ROCA kho thịt, xốt ROCA kho cá. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã ở hầu hết các tỉnh Miền Bắc và một số tỉnh Miền Trung. Với ưu điểm cách làm này đã tạo được những thành công đột phá, mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương và giúp người nuôi thủy sản khai thác tối đa diện tích ao nuôi. 

Để phát triển hơn nữa trong thời gian tới, anh Việt cho biết “Hợp tác xã và Công ty sản xuất và thương mại Xuyên Việt sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; tiếp tục áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, kết nối các hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh để hình thành vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng phục vụ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Từ ngày áp dụng mô hình mới, thu nhập của mỗi thành viên trong Hợp tác xã được cải thiện đáng kể 

(Nguồn https://khuyennongvn.gov.vn/)

 

Tin liên quan