Menu Close Menu
Quay lại

Tranh chấp sở hữu trí tuệ có thể đưa ra tòa án, thay vì xử lý hành chính

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

22/05/2023 : 00:05

Chỉ khi các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ được giải quyết tại tòa án, doanh nghiệp mới có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ngày 12/5/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo “Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi và những tác động đối với doanh nghiệp trong bối cảnh mới”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) chia sẻ, nhiều doanh nghiệp chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ và chưa khai thác một cách hiệu quả khả năng sinh lời của loại tài sản trí tuệ này. Do đó, doanh nghiệp có thể mất cơ hội tăng cường nội lực và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ được cung cấp ra thị trường bằng tài sản trí tuệ.

LuatSHTTsuadoi1.jpg

Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc hội thảo

Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, doanh nghiệp không những phải nắm bắt các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và các quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ nói riêng mà còn phải hiểu rõ tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, có chiến lược xác lập, khai thác quyền sở hữu trí tuệ một cách hợp lý để tận dụng và phát huy những tác động tích cực của quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, với sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp vừa góp phần tạo ra những đổi mới đột phá và sáng tạo, mang nhiều ý tưởng đầy cảm hứng đến với thị trường, vừa tạo ra lợi nhuận và đóng góp những giá trị cho xã hội.

LuatSHTTsuadoi3.jpg

Đại biểu nêu câu hỏi

Theo đó, tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày các vấn đề thực tiễn của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM đang nỗ lực để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, ông Trần Lê Hồng (Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ) đã trình bày một số nội dung mới trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, như: bảo hộ sáng chế, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ nhãn hiệu, hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp… với những quy định mới năm 2022. Cùng với đó là quy định mới về giám định sở hữu trí tuệ, bổ sung pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm.

LuatSHTTsuadoi2.jpg

Ông Trần Lê Hồng (Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ) báo cáo tại hội thảo

Theo ông ông Trần Lê Hồng, kết quả giám định sở hữu trí tuệ là một trong các nguồn chứng cứ để các cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết vụ việc tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Việc giám định liên quan đến sở hữu trí tuệ không phải chỉ có giám định sở hữu trí tuệ theo Luật Sở hữu trí tuệ mà còn có hình thức giám định tư pháp. Thực tế trong thời gian qua chưa có đơn vị nào đề nghị giám định tư pháp. Nếu xử lý hành chính, bên xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chỉ nộp phạt chứ không bồi thường cho doanh nghiệp chịu thiệt hại. Chỉ khi các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ được giải quyết tại tòa án, doanh nghiệp mới có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, những hành vi của cá nhân hoặc pháp nhân bị xác định xử lý hình sự đã có trong Bộ luật Hình sự, doanh nghiệp nên cân nhắc đến biện pháp này vì đây là biện pháp mạnh.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bằng quyền sở hữu trí tuệ, bà Nguyễn Thị Minh Hằng (Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ) khuyến nghị doanh nghiệp nên đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo, gia tăng hàm lượng trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ cung cấp ra thị trường. Đồng thời, kết hợp xây dựng chiến lược quản trị tài sản trí tuệ gắn với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, ưu tiên phân bổ nguồn lực cho việc tiếp cận và khai thác thông tin sở hữu công nghiệp một cách đầy đủ, kịp thời, phục vụ trực tiếp cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Hoàng Kim (CESTI)

Tin liên quan