Menu Close Menu
Quay lại

THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUẤT, THƯƠNG MẠI

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

22/05/2023 : 00:05

Xác định tầm quan trọng của KH&CN đối với sự phát triển KT-XH của địa phương, trong những năm qua, ngành Công Thương Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả các công nghệ trong sản xuất, thương mại thông qua các hoạt động thẩm định dự án, hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình khuyến công của tỉnh, anh Võ Công Chính (xã Cát Tài, huyện Phù Cát), đầu tư mở rộng xưởng sản xuất ép dầu phụng, phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: KL

Theo Sở Công Thương Bình Định, trong quá trình hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ, tham gia ý kiến các dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường, ngành Công Thương Bình Định luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nguyên liệu, vật liệu đầu vào, thân thiện môi trường… Nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thích ứng với yêu cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, hàng năm Sở Công Thương tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn các đề án, chương trình về đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến của các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt nhằm hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn kinh phí khuyến công của Trung ương và địa phương. Qua đó, giúp cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng hóa để đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Trong 03 năm gần đây (2020-2022), kinh phí được hỗ trợ từ nguồn khuyến công trung bình là 4,5 tỉ đồng/năm. Riêng năm 2022 tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn khuyến công là 5,8 tỷ đồng (Trung ương hỗ trợ 2,4 tỷ đồng; địa phương hỗ trợ 3,4 tỷ đồng), trong đó hỗ trợ máy móc thiết bị là 4,6 tỷ đồng (chiếm 85%). Qua công tác hỗ trợ trên, nhiều cơ sở tiếp cận được nguồn kinh phí này đã hoạt động hiệu quả, mở rộng quy mô sản xuất và phát triển tốt, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu thuế cho địa phương.

Sở Công Thương cũng quan tâm công tác kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư cam kết ứng dụng các máy móc, thiết bị có hàm lượng khoa học cao, sử dụng công nghệ sạch, thân thiệt với môi trường như: các nhà máy năng lượng mặt trời, năng lượng gió... Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 03 nhà máy điện gió đang vận hành phát điện với tổng công suất 77,4 MW; 05 nhà máy điện năng lượng mặt trời đang vận hành phát điện với tổng công suất 415,5 MWp (trong đó 01 nhà máy sản xuất điện mặt trời nổi, công suất 50 MWp; 04 nhà máy điện mặt trời mặt đất với tổng công suất 365,5 MWp) và hơn 2.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 228MWp.

Công nhân Công ty TNHH Dulah (xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân) đang vận hành máy đóng trà tự động được hỗ trợ từ Chương trình khuyến công của tỉnh. Ảnh: KL

Ngoài ra, công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cũng được Sở Công Thương đẩy mạnh. Thời gian qua, Sở đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh xây dựng website thương mại điện tử; 10 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR code, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; 05 doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử lớn của thế giới; 02 doanh nghiệp xây dựng, sử dụng chương trình tối ưu hóa hoạt động quản lý nội bộ của doanh nghiệp thông qua các công cụ e-business cụ thể là phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý khách hàng (CRM) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu về khách hàng một cách liên tục.

Sở còn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan như: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam… tổ chức các hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức về thương mại điện tử cho cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong tỉnh nhằm tư vấn, hỗ trợ ứng dụng kỹ năng xúc tiến phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; cách thức tiếp cận và xây dựng chiến lược tiếp thị trực tuyến; ứng dụng giải pháp ngân hàng số, thanh toán số và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tham gia gian hàng Việt trực tuyến; các giải pháp quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ trên hệ thống iCheck để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển sản xuất, kinh doanh theo các mô hình hiện đại. Tổ chức Chương trình ký kết hợp tác hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Bình Định để quảng bá, kinh doanh trên 05 Sàn thương mại điện tử lớn của thế giới và trong nước: Sàn Alibaba, Sàn TMĐT Lazada, Sàn TMĐT Shopee, Sàn TMĐT Voso, Sàn TMĐT Postmart.

Để nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với ứng dụng trong thực tiễn, thời gian qua, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN, Sở NN&PT trong việc ứng dụng hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong thực tiễn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đồng thời, xây dựng, thực hiện các đề án, quy chế phối hợp như: Đề án tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh; quy chế phối hợp đẩy mạnh ứng dụng KH&CN cho sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh phát triển thành hàng hóa với năng suất cao, chất lượng tốt được sản xuất quy mô lớn, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu… Qua đó, nêu rõ nhiệm vụ các ngành trong phối hợp hỗ trợ tiêu thụ nông sản từ sản xuất - quản lý chất lượng - tiêu thụ sản phẩm như: Sở NN&PTNT có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở, nông dân sản xuất sản phẩm hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường, đồng thời dự báo sản lượng cần tiêu thụ cho ngành Công Thương để phối hợp thực hiện; Sở Công Thương có trách nhiệm tìm kiếm, dự báo thị trường tiêu thụ nông sản cho ngành nông nghiệp, đồng thời nắm bắt kịp, phản ảnh các tiêu chuẩn thị trường cho ngành KH&CN để phối hợp thực hiện; Sở KH&CN có trách nhiệm phối hợp ngành nông nghiệp hướng dẫn xây dựng quy trình sản xuất, tiêu chuẩn cơ sở, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa… đồng thời cập nhật, bổ sung kịp thời các tiêu chuẩn liên quan theo nhu cầu của thị trường.

Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian tới ngành Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp các sở ngành liên quan hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ứng dụng, đổi mới máy móc thiết bị theo hướng hiện đại; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh nhất là các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng xây dựng dự án mới hoặc mở rộng, nâng công suất dự án đang hoạt động cần trang bị máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế...

KHÁNH LINH

(Nguồn https://skhcn.binhdinh.gov.vn/)

Tin liên quan