Menu Close Menu
Quay lại

Bình Định: Gặp gỡ, trao đổi với nông dân về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

05/06/2023 : 00:06

Ngày 23/5/2023, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã tổ chức chương trao đổi trực tiếp với người nuôi tôm về kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi – Biofloc.

Tham dự chương trình có sự tham gia của các đại biểu đến từ Chi cục Thủy sản Bình Định, Phòng Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn cùng 70 hộ nuôi tôm của các phường Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc và Tam Quan. Tại đây, các hộ nuôi tôm được hướng dẫn kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi – Biofloc, các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, các giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế và liên kết tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới. Đồng thời, các cơ quan chức năng phổ biến đến người nuôi tôm các chính sách, định hướng phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc ở Bình Định và một số nội dung Luật Thủy sản 2017 quy định áp dụng cho nuôi trồng thủy sản.

Toàn cảnh hội nghị

Thông qua việc đối thoại với các cơ quan chuyên môn, người nuôi tôm đã nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nói chung, cũng như việc áp dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thương phẩm nói riêng. Tuy nhiên để triển khai vào thực tế, người nuôi tôm cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền cũng như sự hỗ trợ kỹ thuật và đặc biệt nguồn vốn để đầu tư sản xuất. Đồng thời, các cấp ban ngành cần định hướng người nuôi tôm theo liên kết chuỗi sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp trong việc mua con giống tốt, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm.

Nuôi tôm công nghệ cao được xem là một trong những cách thức nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao vì đây là mô hình nuôi quản lý tốt dịch bệnh trên tôm, nuôi được nhiều vụ trong năm, tỉ lệ nuôi thành công cao, góp phần tăng lợi nhuận cho hộ dân. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân cơ sở hạ tầng nhiều ao nuôi chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp, thoát nước chưa đảm bảo, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, người dân còn e ngại chưa dám mạnh dạn đầu tư theo mô hình nuôi 2 giai đoạn, bởi đây là mô hình nuôi tôm kỹ thuật cao với chi phí đầu tư ban đầu lớn.

Nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc ngày càng được người dân quan tâm 

Được biết, mô hình “Nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc” đã và đang được Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai trên địa bàn toàn tỉnh trong vài năm trở lại đây. Nhờ áp dụng công nghệ này, người nuôi hạn chế sử dụng hoặc không sử dụng kháng sinh trong mỗi vụ nuôi, tỷ lệ sống của tôm đạt trên 80% và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước đây. Qua đó, giúp người nuôi tôm giảm được chi phí sản xuất, kiểm soát tốt dư lượng kháng sinh trong tôm thương phẩm, nâng cao được giá thành sản phầm.

Thành Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Bình Định

(Nguồn https://khuyennongvn.gov.vn/)

 

Tin liên quan