Người xưa vẫn có câu "Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng" để nói về nỗi vất vả của nghề này. Vậy nhưng ngày nay, nghề trồng dâu nuôi tằm không còn vất vả như trước bởi người nuôi đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Gian nan nghề nuôi tằm
Trước đây trên địa bàn xã hầu như nhà nào cũng trồng dâu nuôi tằm, thế nhưng do cách làm theo truyền thống nên sản lượng kén ít, chất lượng kén không cao, thị trường tiêu thụ khó dẫn đến thu nhập thấp. Bà con dần bỏ nghề hoặc chỉ duy trì nuôi tằm lấy nhộng bán. Năm 2020, với chính sách hỗ trợ khôi phục lại nghề truyền thống và xây dựng nông thôn mới, Hợp tác xã nông nghiệp Dâu tằm Đồng Tiến được thành lập với 7 thành viên, giám đốc là anh Ngô Xuân Khánh.
Để phục vụ việc nuôi tằm, hợp tác xã thuê 16 ha đất sản xuất kém hiệu quả, chuyển đổi cây trồng vật nuôi để trồng dâu. Qua tìm hiểu, anh Khánh đã biết đến cách nuôi tằm theo phương pháp nuôi mới trên nền xi măng, vừa tăng sản lượng tằm nuôi/lứa, chất lượng kén cũng tốt hơn phương pháp nuôi truyền thống sử dụng nong/nia. Hợp tác xã đầu tư xây dựng khu nhà để nuôi tằm, khu nhả tơ thu kén với tổng diện tích gần 800 m2. Nhà nuôi tằm phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp để tằm phát triển từ 25 - 270C, độ ẩm 75 - 80%, có cửa để lưu thông không khí, tránh ruồi, muỗi, côn trùng bay vào gây hại tằm. Giống tằm được mua ở Viện tơ tằm (Lâm Đồng). Đặc biệt tằm là loài động vật khó nuôi, nhạy cảm với môi trường và nhiệt độ trong khi thời tiết ở Nghệ An mùa hè nắng nóng gay gắt, mùa đông lạnh giá. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, sự khác biệt chênh lệch về khí hậu, nhiệt độ giữa hai miền nên trứng tằm bị hỏng nhiều, nếu có nở thì tằm nuôi hay bị chết, tốn công tốn của. Không nản chí, Anh Khánh cùng với thành viên vẫn quyết bám nghề. Nhờ sự hỗ trợ của Viện tằm tơ hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, cũng như chịu khó tìm tòi, khắc phục khó khăn, mọi thứ dần đi vào ổn định. Nuôi tằm thành công đòi hỏi phải chăm sóc, tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, tỉ mỉ từng khâu, từng tuổi đời của tằm. Thức ăn cho tằm là lá dâu và cũng phải chọn lựa cẩn thận, kĩ lưỡng; chỉ cho tằm ăn lá dâu sạch sẽ, khô ráo, đảm bảo độ tươi ngon dinh dưỡng tốt nhất. Đặc biệt, giai đoạn trứng tằm, sau khi ấp nở được đưa vào một khu vực nuôi riêng với những tiêu chuẩn về môi trường khắt khe. Ở giai đoạn này thức ăn phải thái thành từng sợi mảnh và luôn đảm bảo độ tươi. Tằm hết độ tuổi 1, không cần phải thái lá dâu thành sợi mảnh nữa mà sử dụng máy cắt để thái lá to hơn. Từ độ tuổi thứ 2 trở đi, tằm ăn rất nhiều lá dâu (giai đoạn "tằm ăn rỗi") nên phải liên tục bổ sung thức ăn cho tằm cả ngày đêm. Một điều quan trọng nữa đó là phải vệ sinh sạch sẽ khu nuôi, cho ăn đều đặn đồng thời phải sát sao trong quá trình nuôi nhằm sớm phát hiện tằm có bị bệnh hay không để kịp thời xử lý.
Công nhân đang chăm sóc tằm |
Nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động đầu ra
Để nâng cao hiệu quả khi nuôi tằm, Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi như trồng cây dâu giống cao sản thay thế cho giống cũ năng suất kém, đưa máy móc hiện đại vào quy trình làm đất, làm cỏ, máy thái dâu… chuyển từ né tre sang né gỗ vuông, nuôi sàn xi măng, mua giống tằm ngoại... Ngoài ra trong khu nuôi tằm được đầu tư lắp đặt hệ thống quạt thông gió, sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, máy phun sương tạo độ ẩm. Tằm được nuôi trong môi trường có điều hòa nhiệt độ, tránh được bất lợi do thời tiết mang lại. Từ đó tằm sinh trưởng phát triển tốt, giúp rút ngắn thời gian cắm né, kén thu được đảm bảo chất lượng và năng suất. Sau 3 năm nỗ lực, HTX này đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên và cũng là duy nhất ở đây với mô hình nuôi tằm tập trung. Hiện tại tất cả sản phẩm kén tằm của hợp tác xã sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, đầu ra ổn định. Bình quân cứ 1 tuần thu hoạch từ 2-3 tạ kén với giá bán từ 18-20 triệu đồng/tạ, mỗi năm cho tổng thu nhập khoảng gần 1,5 - 2,4 tỷ đồng. Sản phẩm làm ra được các cơ sở đầu mối, thương lái thu mua, cung không đủ cầu nên HTX yên tâm phát triển sản xuất, sắp tới sẽ nhân rộng mô hình nuôi tằm lấy kén cho các hộ dân có nhu cầu. Để tăng hiệu quả sản xuất, tháng 3 năm nay HTX dâu tằm Đồng Tiến đã thử nghiệm mua máy móc để kéo tơ, khép kín quy trình sản xuất. Hi vọng thời gian sắp tới sẽ đưa vào sản xuất quy mô lớn.
Ông Tô Quang Thắng - chủ tịch xã Khánh Sơn chia sẻ, ngày xưa nuôi tằm vất vả đòi hỏi công chăm sóc của người nuôi nhưng hiện nay hợp tác xã nông nghiệp dâu tằm Đồng Tiến nhờ thay đổi các tập quán cũ lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả cao. So với các loại cây trồng khác, trồng dâu nuôi tằm nhả tơ cho thu nhập cao hơn nhiều. Đây cũng là động lực để lan tỏa và nhân rộng ra cho người dân trong xã học hỏi và làm theo trong thơi gian tới.
Giờ đây, trồng dâu – nuôi tằm đã và đang có nhiều bước chuyển mình vượt bậc, tạo công ăn việc làm cho thành viên hợp tác xã cũng như người dân và mang lại hiệu quả phát triển kinh tế. Qua đây cũng cho thấy nếu mạnh dạn thay đổi, đầu tư đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thì sẽ đạt hiệu quả. Mong rằng hợp tác xã nông nghiệp dâu tằm Đồng Tiến phát triển vươn xa hơn nữa, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Thay đổi các tập quán cũ lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả cao |
Kim Dung
Trung tâm Khuyến nông Nghệ An
(Nguồn https://khuyennongvn.gov.vn/)