Menu Close Menu
Quay lại

Kết nối ý tưởng sản xuất trà rau má sấy khô, trà rau má túi lọc, trà khổ qua rừng túi lọc cho xuất khẩu

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

04/08/2023 : 00:08

Nhu cầu sử dụng trà thảo dược ngày càng tăng và đa dạng, do đó doanh nghiệp đang tìm kiếm công nghệ và giải pháp để nhanh chóng sản xuất sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường quốc tế (châu Âu, Trung Đông và Mỹ).

Ngày 26/7/2023, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM tổ chức sự kiện Kết nối ý tưởng với chủ đề “Quy trình và dây chuyền thiết bị sản xuất trà thảo dược”. Sự kiện thuộc chuỗi hoạt động “Cà phê Công nghệ”, do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) triển khai thực hiện, nhằm đẩy mạnh kết nối cung - cầu công nghệ, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Đức Tuấn (Q. Giám đốc CESTI) cho biết, bên cạnh mục đích kết nối cung - cầu cho các bên, sự kiện còn hỗ trợ quảng bá công nghệ thiết bị cho bên cung, nhân rộng mô hình giúp các bên cầu sớm tìm được giải pháp cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu tương tự cũng có thể liên hệ CESTI để được kết nối và hỗ trợ trong thời gian tiếp theo. Sau phiên kết nối, các đơn vị có nhu cầu sẽ tiếp tục được CESTI hỗ trợ để làm việc trực tiếp với nhà cung ứng, tiếp tục thảo luận, đàm phán để đi đến hợp tác, chuyển giao công nghệ.

knyttrathaoduoc1.jpg

Tại sự kiện, các doanh nghiệp cầu công nghệ đã nêu yêu cầu tìm kiếm, nhận chuyển giao phương án sản xuất trà rau má sấy khô và trà rau má túi lọc, công suất 500kg–1 tấn/mẻ (6-12 tiếng/mẻ), bố trí lắp đặt và sản xuất tại Tiền Giang. Bên cạnh đó, còn có yêu cầu tư vấn triển khai phương án sản xuất trà khổ qua rừng túi lọc tại Đồng Tháp, công suất dự kiến 50kg/ngày.

Trong khuôn khổ sự kiện, các nhà cung ứng đã giới thiệu, tư vấn 6 quy trình, phương án sản xuất gồm:

1. Quy trình công nghệ sản xuất trà thảo dược (Đại học Bách Khoa - ĐHQG TPHCM). Quy trình gồm các công đoạn phân loại, ngâm rửa, xử lý cơ học, lên men, sấy, sàng… Từng công đoạn trong quy trình có các thiết bị và chỉ tiêu sản xuất cụ thể.

2. Quy trình công nghệ sản xuất trà thảo dược (Đại học Nông lâm TPHCM). Đây là quy trình công nghệ chế biến trà túi lọc, đã ứng dụng cho nguyên liệu rau má và khổ qua. Quy trình được kiểm soát chất lượng liên tục, được ghi chép số liệu khoa học, dễ truy xuất.

3. Công nghệ cố định Diệp lục tố và Dinh dưỡng trong sản xuất trà thảo dược (Công ty TNHH MTV Sắc Mộc Tinh). Đây là công nghệ đã ứng dụng để sản xuất trà lá tre, dựa trên quá trình phân hủy diệp lục tố (tự nhiên) theo thời gian, sự phân hủy diệp lục tố do pH acid, pH của một số dịch chiết thực vật, thành phần dinh dưỡng của lá tre, dược tính của lá tre.

4. Công nghệ và thiết bị sấy năng lượng mặt trời sản xuất trà thảo dược (Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS). Đây là giải pháp ứng dụng năng lượng mặt trời đa năng, chi phí đầu tư thấp, tiết kiệm nhân công nhờ quy trình tự động hóa, tiết kiệm năng lượng, thời gian bảo hành lên đến 5 năm, đã được ứng dụng để sấy nhiều loại nông sản ở nhiều tỉnh thành.

5. Công nghệ và thiết bị sấy bơm nhiệt sản xuất trà thảo dược (Công ty Cổ phần Máy sấy Hai Tấn). Đây là công nghệ mới, đã được ứng dụng để sản xuất trà rau má từ khâu nguyên liệu, nghiền bột đến đóng gói. Công nghệ này cũng được ứng dụng để sấy nghiền bột các loại rau, sấy dẻo trái cây, sấy các loại bún – miến – dong…

6. Dây chuyền thiết bị sản xuất trà thảo dược (Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Phát Đạt). Đây là giải pháp trọn gói để sản xuất trà rau má sấy khô và trà rau má túi lọc, được thiết kế theo yêu cầu về công suất cụ thể của khách hàng.

knyttrathaoduoc2.jpg

Sau quá trình trao đổi, hỏi đáp trực tiếp với nhà cung ứng và tư vấn công nghệ, doanh nghiệp sẽ lựa chọn giải pháp phù hợp để tiếp tục thương thảo hợp tác, chuyển giao công nghệ.

Văn Kiệt - Hoàng Kim (CESTI)

Tin liên quan