Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao
09/09/2023 : 00:09
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15.8 đạt gần 210 tỷ USD, giảm 10,1%. Tuy vậy, sau đà giảm mạnh từ cuối năm ngoái, hoạt động xuất nhập khẩu đã bắt đầu có tín hiệu khởi sắc khi có sự tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước.
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 14,4 tỷ USD. Con số này cũng đưa tổng trị giá xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15.8 đạt 209,4 tỷ USD, giảm 10,1%, tương ứng giảm 23,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
So với kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu năm, mức giảm đang nhẹ dần. Xuất khẩu tăng dần cao hơn tháng trước trong 3 tháng liên tiếp gần đây, thể hiện một số tín hiệu khởi sắc trong hoạt động thương mại.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu, chỉ có một số mặt hàng có sự tăng trưởng, cụ thể như rau quả tăng 57,3%, hạt điều tăng 9,5%, cà phê tăng 3,2%, gạo tăng 35,2%, phương tiện vận tải, và phụ tùng tăng 16%, đá qúy, kim loại tăng 2%, giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 9,3%.
Trong khi đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như điện thoại các loại & linh kiện giảm 5,62 tỷ USD (giảm 15,1%); hàng dệt may giảm 3,5 tỷ USD (giảm 14,5%); máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 2,74 tỷ USD, (giảm 10%); gỗ & sản phẩm gỗ giảm 2,67 tỷ USD, (giảm 25,7%); giày dép các loại giảm 2,63 tỷ USD, (giảm 17,4%);... so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu linh kiện, điện thoại của Việt Nam vẫn còn giảm khá mạnh.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 8 đạt 28,6 tỷ USD, đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15.8 đạt 402,6 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15.8, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 16,2 tỷ USD.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI tính đến hết ngày 15.8 đạt 153,3 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, tuy tình hình lạm phát trên thế giới đã hạ nhiệt nhưng hầu hết các nền kinh tế lớn hiện vẫn tăng trưởng thấp do tổng cầu suy giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt ….Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.
Các Bộ ngành cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự để đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung.
Cùng với đó, các bộ ngành cần nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Theo Dương Hưng (TPO)
(Nguồn http://baobinhdinh.vn/)
Tin liên quan
- Lễ hội trái cây Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức ở Trung Quốc
- Thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường: Ðem lại nhiều kết quả tích cự
- Đánh giá kết quả phẫu thuật thay khớp háng không xi măng qua đường mổ trước - ngoài
- Hội thảo bàn giải pháp phát triển chè Tiến Vua thành sản phẩm chủ lực
- Lớp tập huấn tuyền cảm hứng khởi nghiệp
- Nông dân phấn khởi vì lúa được mùa, được giá
- Vạn bước chân trên rẻo cao Tây Bắ
- Khuyến nông cộng đồng – kết nối chuỗi sản xuất đa giá trị
- Nghiệm thu nhiệm vụ về chăn nuôi heo an toàn
- Nghiệm thu đề tài về quy trình công nghệ bảo quản sau thu hoạch một số loại trái cây đặc trưng tại Bình Định