Menu Close Menu
Quay lại

Bảo tồn chè Tiến Vua An Toàn

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

12/10/2023 : 00:10

Huyện An Lão có kế hoạch bảo tồn vùng chè Ô Long ở xã An Toàn nhằm khôi phục, phát triển sản phẩm chè Tiến Vua; đồng thời tính toán kết hợp đưa vào khai thác du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Cuối tháng 8.2023, UBND huyện An Lão đề xuất UBND tỉnh cho phép thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát triển chè Tiến Vua An Toàn. Khảo sát thực tế cho thấy ở xã An Toàn hiện có hơn 1.000 gốc chè cổ thụ Ô Long (quen được gọi là chè Tiến Vua) trên trăm năm tuổi, diện tích 1,9 ha thuộc khoảnh 11A, tiểu khu 37, ở thôn 2 - thuộc khu vực quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn (Sở NN&PTNT). 

Nhận ra tiềm năng phát triển của vùng chè này, huyện An Lão định hình phát triển chè Tiến Vua An Toàn theo hướng sản phẩm đặc trưng địa phương, làm quà tặng chất lượng cao phục vụ du lịch. Từ thực tế đó, năm 2019 huyện An Lão đã lập các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chè Tiến Vua An Toàn - An Lão” đồng thời UBND huyện An Lão đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP đối với chè Tiến Vua An Toàn.

Những bước đi ban đầu này là sự cụ thể hóa định hướng của huyện trong phát triển sản phẩm đặc trưng địa phương gắn liền với phát triển sinh kế, đời sống cho người dân ở xã vùng cao An Toàn. Cùng với đó, huyện An Lão quy hoạch và bảo tồn vùng chè Tiến Vua An Toàn theo hướng phục vụ du lịch trải nghiệm cộng đồng. Ðể sớm biến điều này thành hiện thực, UBND huyện An Lão đã đề xuất UBND tỉnh, các sở, ngành hỗ trợ huyện An Lão lập quy hoạch vùng An Toàn; đồng thời lập Ðề án phát triển sản phẩm chè Tiến Vua gắn với phát triển sản phẩm văn hóa du lịch.

Khu vực chè Tiến Vua An Toàn tại thôn 2, xã An Toàn được Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn quản lý, bảo vệ và chăm sóc.  Ảnh: THU DỊU

Theo ông Ðỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, việc tổ chức quy hoạch sẽ góp phần bảo tồn được diện tích chè cổ thụ, xây dựng và hình thành “Không gian văn hóa Chè Tiến Vua An Toàn”. Mục tiêu hướng đến là từ đây tạo sinh kế phát triển bền vững cho người dân địa phương, đặc biệt là giúp đồng bào Bana bám đất, bám rừng và sống được nhờ sản vật dưới tán rừng một cách bền vững.

Ngoài bảo tồn vùng chè tập trung của Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, huyện An Lão còn tổ chức khảo sát toàn bộ các vùng chè khoảng 5.000 ha đang có ở cả 3 thôn thuộc xã An Toàn. Toàn bộ sẽ được khoanh vùng, bảo vệ và chăm sóc để có thể khai thác sản phẩm. Về lâu dài, ngành chức năng của huyện tham vấn các đơn vị có chuyên môn để thực hiện nghiên cứu sâu hơn về công tác bảo tồn nhằm nhân giống chè.

Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn đã ký hợp đồng với Công ty CP Dược & Trang thiết thiết bị y tế Bình Định tiến hành phân tích, đánh giá hàm lượng các dược chất có trong chè tự nhiên ở An Toàn để phát triển sản phẩm. Cùng với đó gấp rút thực hiện việc kiểm đếm, đánh dấu các diện tích vùng chè cổ thụ, phối hợp với bà con ở địa phương khoanh vùng và bảo vệ chè tự nhiên ở trong rừng đặc dụng, tính toán tới việc khai thác thành sản phẩm hàng hóa giúp người dân có thêm thu nhập từ sản vật dưới tán rừng.

Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, cho hay: “Giúp dân giữ rừng, tìm thấy lợi ích thiết thực từ việc bảo vệ rừng là mục tiêu của chúng tôi. Những năm qua, chúng tôi hết sức tạo điều kiện để bà con có thể khai thác được sản vật theo điều kiện, theo từng khu vực của rừng. Với cây chè Tiến Vua An Toàn, chúng tôi xem đây là cơ hội tốt để giúp người dân An Toàn mở ra hướng sản xuất mới, nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo”.

THU DỊU

(Nguồn http://baobinhdinh.vn/)

Tin liên quan