Học trên đồng ruộng
12/10/2023 : 00:10
Anh Trần Bá Đạo, chủ một vườn hoa ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước - một mối quen của làng hoa mà tôi “túm” được, hồ hởi gọi: Ít hôm nữa về làng hoa Bình Lâm chơi nghen, năm nay có nhiều hoa mới lắm đấy. Nào cúc vàng, cúc kim, cúc 7 màu, hoa treo, hoa trang trí…, vườn nay có đủ đầy nhé. Nhớ lựa ngày nắng đẹp xuống chụp hoa, sẵn tiện quảng bá cho người mua nghen cô”. Mùa hoa tết ở Bình Định nhen lên như thế, sau một cuộc gọi của người làm vườn ở làng cúc Bình Lâm.
Anh Trần Bá Đạo là một trong những hộ dân tham gia tích cực vào các lớp học chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc các giống hoa mới do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước tổ chức.
Mô hình hoa tết ở làng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa) được thực hiện với sự chuyển giao kỹ thuật, công nghệ từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước. Ảnh: THU DỊU
Trò chuyện với tôi, anh hào hứng chia sẻ: “15 ngày nữa là xuống giống hoa vụ Tết, chủ đạo vẫn là cúc vàng. Nhờ được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật mới, nên tôi mạnh dạn đầu tư thêm các giống hoa trang trí như dạ yến thảo, phú quý… để thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Người làng hoa một năm làm lụng cậy hết vào vụ Tết mới biết có dư hay không, nên chúng tôi chăm chút lắm. 10 năm theo nghề trồng hoa nhưng mà có nhiều thứ phải học, đơn giản như nhìn lá đoán bệnh, để biết phải bổ sung dinh dưỡng thế nào, rồi một số kỹ thuật trong xử lý đất, phòng trừ sâu bệnh hại, nhờ đó tôi càng tự tin để đầu tư trồng thêm các giống mới”.
Đặc điểm của làng hoa Bình Lâm là hoa được trồng trong vườn nhà. Vì khoảng cách giữa khu vực sản xuất và không gian sinh hoạt quá gần, nên việc đảm an toàn cho con người trong sản xuất được chú trọng. Từ thực tế đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước lồng ghép chuyển giao kỹ thuật canh tác an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm hỗ trợ làng hoa Bình Lâm xây dựng 4 mô hình trồng hoa kiểng áp dụng hệ thống tưới hiện đại, đa dạng giống hoa để cung cấp cho thị trường. Từ các mô hình điểm, người dân làng hoa được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó áp dụng vào sản xuất phù hợp.
Không chỉ trồng hoa, trong trồng rau, lúa, huyện Tuy Phước cũng là địa phương đi đầu trong chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ cho nông dân. Nhờ những lớp học trên đồng ruộng đó, nông dân huyện Tuy Phước tiếp cận nhanh và áp dụng vào sản xuất, từ đó nhân rộng diện tích lúa SRI lên 1.000 ha, rau an toàn 300 ha, trong đó có 15 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP…, góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện.
THU DỊU
(Nguồn http://baobinhdinh.vn/)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững