Sở hữu trí tuệ: Góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp
17/04/2024 : 00:04
Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Do đó, thời gian qua, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo ông Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch… thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh. Điển hình là Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển KH&CN tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN; Nghị quyết số 33/2023/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết 14 và Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, Sở KH&CN đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ các DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh xác lập, khai thác quyền sở hữu công nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3 bằng độc quyền sáng chế, 3 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 46 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 1.470 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đáng chú ý, tỉnh vừa xác lập thành công chỉ dẫn địa lý “Bình Định” cho sản phẩm mai vàng và đã có 66 nhãn hiệu cộng đồng gắn với chỉ dẫn địa danh được đăng ký bảo hộ (trong đó có 35 nhãn hiệu chứng nhận và 31 nhãn hiệu tập thể).
HTX Nông nghiệp Ngọc An, ở phường Hoài Thanh Tây (TX Hoài Nhơn) là đơn vị đầu tiên của tỉnh được hỗ trợ xây dựng thành công “Hệ thống quản trị tài sản trí tuệ”. Đến nay, HTX đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Ngọc An” cho 2 sản phẩm dầu dừa và bánh tráng nước dừa. Nhờ đó, khách hàng tìm đến HTX ngày càng nhiều, hàng hóa của HTX được lan tỏa khắp nơi. Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc An, chia sẻ: DN cần phải nghĩ đến việc đăng ký SHTT sản phẩm, nhãn mác, logo… Khi đã đăng ký SHTT, các sản phẩm của DN được bảo hộ quyền SHTT; đưa ra thị trường được kiểm tra, quản lý chất lượng, nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt, đồng thời chống được hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần giữ được thương hiệu của DN. Với 2 sản phẩm dầu dừa và bánh tráng nước dừa, mỗi năm HTX đạt doanh thu gần 3 tỷ đồng.
HTX Nông nghiệp Ngọc An (phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn) đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Ngọc An” cho sản phẩm dầu dừa và bánh tráng nước dừa. Ảnh: AN |
Trong năm 2023, Sở KH&CN đã hỗ trợ tư vấn, tra cứu thông tin và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ra nước ngoài cho 3 tổ chức trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 2 sản phẩm sáng tạo, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Điều tra, khảo sát thu thập thông tin thứ cấp liên quan đến sản xuất, tiêu thụ 3 sản phẩm của tỉnh, là ớt, bưởi và yến sào, để xúc tiến xây dựng chỉ dẫn địa lý… Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh cho phép sử dụng tên địa danh trong đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của các huyện dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có gắn với tên địa danh cho 2 sản phẩm: Dừa xiêm Phù Cát và Gà hữu cơ thảo dược Bình Định. Điều đó cho thấy, công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng.
Ông Nguyễn Tôn Hiến, Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) cho hay, xã hiện có 277 ha đất trồng dừa xiêm. Đây là giống cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế khá cao. Vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý cho UBND huyện Phù Cát được phép sử dụng địa danh “Phù Cát” trong đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Dừa xiêm Phù Cát”. Đây là điều kiện để phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng vào sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ông Lê Công Nhường nhấn mạnh, thời gian tới, Sở KH&CN kiến nghị Cục SHTT tiếp tục tham mưu Bộ KH&CN quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong việc xác lập thành công chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Tư vấn, hướng dẫn việc quản trị tài sản trí tuệ và thương mại hóa quyền SHTT cho các sản phẩm đã được bảo hộ; tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT tại địa phương.
AN NHIÊN
(Nguồn https://baobinhdinh.vn/)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững