Tây Sơn: Nâng cao năng lực thu gom rác thải
15/05/2024 : 00:05
Các phòng, ban liên quan và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tây Sơn đã, đang tập trung nâng cao năng lực thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Qua đó, góp phần đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; tạo cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp.
Tăng tần suất, mở rộng địa bàn thu gom rác
Từ đầu năm 2024 đến nay, Ban quản lý Cấp và thoát nước huyện Tây Sơn thực hiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn thị trấn Phú Phong với tần suất tăng từ 3 lên 6 lần/tuần. Ngoài ra, đơn vị xây dựng lịch trình cụ thể về thời gian, địa điểm, tần suất thu gom, vận chuyển CTRSH tại các điểm dân cư cho từng xe chuyên dụng; thông báo rộng rãi để người dân biết và thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Hà, ở khu phố Phú Xuân (thị trấn Phú Phong), chia sẻ: “Biết rõ lịch trình và thời gian hoạt động của xe đi thu gom nên tôi chủ động trong việc bỏ rác thải, tránh tình trạng rác để lâu trước nhà gây ô nhiễm, mất mỹ quan, vệ sinh chung; hơn do có xe thu gom liên tục nên nạn ứ đọng rác thải sinh hoạt đã không còn”.
Ông Đỗ Văn Diện, Trưởng Ban quản lý Cấp và thoát nước huyện Tây Sơn, cho biết: Hiện đơn vị có 6 xe ép rác chuyên dụng, ngoài thị trấn Phú Phong còn thực hiện thu gom, vận chuyển CTRSH tại các xã Tây Phú, Tây Xuân, Bình Thành, Bình Tân, Bình Hòa, Tây Bình, Tây Vinh, Tây An (3 lần/tuần). Dự kiến trong quý II/2024, Ban mở rộng thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Bình Thuận. Bên cạnh đó, tăng tần suất thu gom, vận chuyển lên 4 lần/tuần đối với các xã nằm dọc tuyến QL 19 và QL 19B là Tây Xuân, Bình Thành, Bình Hòa và Tây Bình.
Tương tự, từ đầu năm 2024 đến nay, HTX Nông nghiệp Thượng Giang (đơn vị thực hiện thu gom CTRSH tại xã Tây Giang, Tây Thuận, Bình Thuận) cũng tăng tần suất thu gom 4 lần/tuần tại các khu vực trung tâm của xã Tây Giang là thôn Thượng Giang 1, Thượng Giang 2, Tả Giang 1, Tả Giang 2; riêng thôn Nam Giang và Hữu Giang tần suất 3 lần/tuần. Điều này đảm bảo khối lượng CTRSH tại khu vực đô thị trên địa bàn huyện Tây Sơn được thu gom, vận chuyển, xử lý đạt tỷ lệ cao.
Nhân viên Ban quản lý Cấp và thoát nước huyện Tây Sơn thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thị trấn Phú Phong. Ảnh: V.L
Nâng cao năng lực xử lý rác thải
Theo Phòng TN&MT huyện Tây Sơn, quý I/2024, khối lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị (thị trấn Phú Phong và xã Tây Giang) hơn 21,9 tấn/ngày. Lượng rác thải được thu gom, vận chuyển về bãi chôn lấp tập trung của huyện (thôn Phú An, xã Tây Xuân) để xử lý hơn 19,8 tấn/ngày, đạt tỷ lệ trên 90,5%. Đối với CTRSH khu vực nông thôn, khối lượng phát sinh hơn 43,4 tấn/ngày; được thu gom, vận chuyển về bãi chôn lấp tập trung của huyện để xử lý hơn 26,8 tấn/ngày (đạt tỷ lệ trên 61,7%).
Ông Nguyễn Văn Vui, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Tây Sơn, cho biết: Hiện việc thu gom, vận chuyển CTRSH tại 15/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tây Sơn đều được thực hiện bằng phương tiện xe ép rác chuyên dụng. Trong đó, Ban quản lý Cấp và thoát nước huyện có 6 xe, HTX Nông nghiệp Thượng Giang có 1 xe và 2 xe của 2 cá nhân thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại xã Vĩnh An, Bình Tường, Bình Nghi. Việc tăng tần suất thu gom (3 - 4 lần/tuần) và sử dụng phương tiện chuyên dụng thu gom, vận chuyển CTRSH đã góp phần nâng cao năng lực trong công tác này. Ngoài ra, huyện còn chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở 4 địa phương. Các loại chất thải hữu cơ dễ phân hủy được người dân phân loại, sau đó dùng ủ làm phân bón cho cây trồng; còn chất thải tái chế được phân loại để bán cho các cơ sở thu mua phế liệu. Điều này góp phần giảm khối lượng CTRSH đưa về xử lý tại bãi chôn lấp tập trung của huyện.
Theo ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, địa phương đã xây dựng phương án chi tiết về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn và được UBND tỉnh thông qua. Đây là cơ sở để huyện tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Ngày 3.5 vừa qua, các thành viên Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh cũng đã thống nhất ý kiến đề nghị xét công nhận huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục giao UBND các xã, thị trấn xây dựng phương án sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường đã được phân bổ về địa phương để thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn. Tập trung vận động, tuyên truyền người dân ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH với Ban quản lý Cấp và thoát nước huyện; đảm bảo đến tháng 8.2024 đạt tỷ lệ từ 90% trở lên. Bên cạnh đó, các địa phương nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ; mỗi xã, thị trấn có ít nhất một mô hình.
Tính đến hết năm 2023, tổng số hộ dân trên địa bàn huyện Tây Sơn tham gia dịch vụ thu gom CTRSH là 32.459/37.063 hộ, đạt tỷ lệ 87,6%. Trong năm 2023, tổng lượng CTRSH được thu gom, vận chuyển về bãi chôn lấp tập trung của huyện để xử lý đạt 62,6%; trong đó, khu vực đô thị đạt 80,1% và khu vực nông thôn đạt 53,8%.
VĂN LỰC
(Nguồn https://baobinhdinh.vn/)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững