Tạo động lực để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển
21/06/2024 : 00:06
Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND ngày 17.7.2020 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh, đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.
Theo ông Huỳnh Xuân Trường, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN), sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 50/2020/QĐ-UBND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN.
Từ khi chính sách được thực hiện cho đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 27 cơ sở sản xuất, DN tiếp cận, thụ hưởng chính sách, với kinh phí giải ngân gần 600 triệu đồng. Trong đó, chủ yếu là hỗ trợ DN đạt giải thưởng chất lượng quốc gia, DN được cấp giấy chứng nhận phù hợp theo tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng, DN xây dựng và xác lập quyền sở hữu công nghiệp hay DN tham gia chợ công nghệ và thiết bị trong nước.
Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 14, Sở KH&CN nhận thấy những bất cập, hạn chế nảy sinh, như: Có một số nội dung hỗ trợ xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng mới được ban hành chưa được đưa vào Nghị quyết; hỗ trợ xây dựng kiểm soát, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đối với các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đã được UBND tỉnh công nhận mới phát sinh trong thực tế chưa được đưa vào Nghị quyết… Do đó, Sở KH&CN đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh xem xét, kiến nghị HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung và ban hành Nghị quyết số 33/2023/NQ-HĐND ngày 6.12.2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Nghị quyết số 14.
Nhờ đó, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có thêm 5 cơ sở sản xuất, DN được hỗ trợ chính sách phát triển KH&CN để xây dựng, áp dụng thành công các hệ thống quản lý tiên tiến (25 triệu đồng/đơn vị). Đó là, Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Minh Phúc Thịnh, Công ty TNHH Sản xuất đông trùng hạ thảo Hưng Nguyên, Công ty TNHH MTV ViTa, hộ kinh doanh cơ sở nem chả Cô Út và Cơ sở sản xuất, đóng gói bột ngọt 777.
Nguồn kinh phí hỗ trợ từ chính sách phát triển KH&CN đã tạo điều kiện để Công ty TNHH MTV Vita xây dựng, áp dụng thành công hệ thống quản lý an toàn thực phẩm HACCP.
- Trong ảnh: Các sản phẩm bánh canh rau củ do Công ty TNHH MTV Vita sản xuất dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: TRỌNG LỢI
Công ty TNHH MTV ViTa (thôn 1, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, chủ yếu là các sản phẩm bánh canh rau củ, là 1 trong 5 đơn vị hưởng chính sách phát triển KH&CN (đợt 1, năm 2024). Ông Ðặng Ngọc Vũ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vita, cho hay: Công ty đã triển khai các thủ tục để xây dựng, áp dụng thành công hệ thống quản lý an toàn thực phẩm HACCP. Cuối tháng 3 vừa qua, đơn vị chính thức được Công ty CP ISOQ Việt Nam cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm HACCP CODEX 2022. Đây là “giấy thông hành” để các sản phẩm của công ty thêm một lần nữa khẳng định thương hiệu, chất lượng đến khách hàng.
Tương tự, Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Minh Phúc Thịnh (thôn Trà Thung, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) chuyên xuất bánh, bún khô (phở gạo khô, hủ tiếu gạo khô, mì Quảng khô và bánh tráng gạo), vừa được hỗ trợ 25 triệu đồng từ chính sách của Nghị quyết số 14 để xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và đã được cấp chứng nhận ISO 22000. Công ty này có 4 sản phẩm OCOP được công nhận hạng 3 sao; bình quân mỗi năm sản xuất, xuất bán ra thị trường khoảng 180 tấn bánh, bún khô các loại. Ông Phan Đình Minh, Giám đốc công ty, chia sẻ: “Số tiền hỗ trợ tuy không nhiều, nhưng là nguồn động viên để công ty xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận cho DN”.
Ông Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, thông tin: Chính sách hỗ trợ phát triển KH&CN được HĐND tỉnh thông qua vào tháng 7.2020 và sửa đổi bổ sung vào tháng 12.2023, trong đó quy định 4 đối tượng thuộc chính sách hỗ trợ, gồm: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ; hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn tiên tiến, đạt các giải thưởng về chất lượng quốc gia và quốc tế; hỗ trợ xây dựng và xác lập quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN. Đây là điều kiện tốt giúp DN vừa và nhỏ tiếp cận với nguồn vốn để mua sắm máy móc, thiết bị, các công cụ sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, tăng cường năng lực kỹ thuật, công nghệ, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái. Thời gian đến, Sở tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường tuyên truyền, giới thiệu cho các đơn vị tiếp cận Nghị quyết và thụ hưởng các chính sách liên quan. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ DN giúp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến lĩnh vực KH&CN, nhất là các thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách liên quan.
TRỌNG LỢI
(Nguồn https://baobinhdinh.vn/)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững