Menu Close Menu
Quay lại

Khuyến nông cộng đồng – kết nối chuỗi sản xuất đa giá trị

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

22/08/2024 : 00:08

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đồng chủ trì Hội nghị. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã cùng đoàn đại biểu đến thăm các mô hình phối hợp giữa tổ khuyến nông cộng đồng với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp trong phát triển vùng cà phê nguyên liệu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ khi thăm các mô hình phối hợp giữa tổ khuyến nông cộng đồng với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp trong phát triển vùng cà phê nguyên liệu và nhà máy chế biến
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu 

 

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá mô hình tổ khuyến nông cộng đồng là hướng đi mới để kết nối hệ thống khuyến nông với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp nhằm hỗ trợ người nông dân tốt hơn trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các giải pháp hữu ích vào sản xuất, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định: Khuyến nông cộng đồng là lực lượng chính thực hiện nhiệm vụ giám sát chất lượng đầu vào và đầu ra. Khuyến nông ngày nay không chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn mà còn thực hiện sứ mệnh đó là kết nối thị trường, gắn kết doanh nghiệp, hợp tác và người nông dân có hiệu quả.

 

Trong quá trình triển khai Đề án, hệ thống lực lượng khuyến nông cộng đồng đã xác định được vai trò nòng cốt trong quá trình thực hiện, đó là hành cùng nông dân, giúp tổ chức lại sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực và trở thành cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp. 

 

Từ năm 2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu, hoạt động khuyến nông cũng có những thay đổi tích cực, chuyển dịch từ hỗ trợ sản xuất sang dịch vụ. Tổ khuyến nông cộng đồng đã luôn đồng hành cùng tham gia vào chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi số, tạo dựng chuỗi liên kết, cùng với người dân tiếp cận nông nghiệp đa giá trị, giá trị gia tăng cao, tạo dấu ấn trong việc phát triển các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đó là vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc và Đồng Tháp Mười, vùng lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long, vùng cà phê Tây Nguyên, vùng trồng rừng gỗ lớn tại miền Trung.

 

Sau 2 năm thực hiện đề án, cả nước đã thành lập 5.036 tổ khuyến nông cộng đồng với 45.588 thành viên, tại 57 tỉnh/thành phố. Trong đó, 13 tỉnh tham gia đề án có 26 tổ thí điểm (156 thành viên); 1.071 tổ mở rộng với 9.622 thành viên. Các tỉnh có số lượng tổ lớn: Long An (159 tổ); Tiền Giang (142 tổ); An Giang (125 tổ)... Các tỉnh ngoài đề án thành lập 3.939 tổ (35.810 thành viên). Một số tỉnh thành lập số lượng lớn: Quảng Nam (826 tổ); Hà Tĩnh (160 tổ); Hải Phòng (139 tổ); Yên Bái (150 tổ)...

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Đề án 

 

Chia sẻ về quá trình xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng tại địa phương và triển khai các hoạt động, ông Nguyễn Ngọc Tuất - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng cho biết, mặc dù là tỉnh không nằm trong Đề án nhưng đến nay 100% các xã đã có tổ khuyến nông cộng đồng (139 tổ/137 xã, 2 thị trấn), tổ trưởng là Phó Chủ tịch UBND xã. Mục tiêu đến năm 2025 có 100% xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Kinh nghiệm thực tế là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống, ban hành chính sách để phát triển kinh tế nông nghiệp kịp thời, phù hợp. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh thông qua dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tích cực đào tạo chuyên sâu cho các thành viên để tiếp tục kiện toàn tổ khuyến nông cộng đồng.

 

Ông Nguyễn Hữu Tháp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Hoạt động khuyến nông cộng đồng có ý nghĩa đối với cơ sở, đã hỗ trợ tích cực trong việc tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp thu mua và người sản xuất cho vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn tại huyện Đắc Hà - vùng trồng cà phê trọng điểm của tỉnh. Ngoài 2 tổ thí điểm, tỉnh đã xây dựng 72 tổ khuyến nông cộng đồng tại các địa phương với sự tham gia của hơn 600 thành viên. Ngoài cà phê, hiện nay tỉnh cũng phát triển cây ăn trái, đặc biệt là cây sầu riêng với giá trị kinh tế rất cao. Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nâng cao hiệu quả thí điểm khuyến nông cộng đồng, đặc biệt là tạo lập vùng nguyên liệu cà phê chè đông Trường Sơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân.

 

Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chia sẻ,  Phú Thọ đang hướng đến xây dựng các mô hình theo hướng liên kết từ tỉnh đến huyện, xã, từ đó sẽ triển khai nhân rộng theo hướng khuyến nông cộng đồng. Trong bối cảnh kinh tế hộ nhỏ lẻ như hiện nay, khuyến nông cộng đồng cần phải đặt vào trong chuỗi. Trước khi chuyển giao mô hình cần có thử nghiệm, đánh giá khách quan, đảm bảo chia sẻ hài hòa lợi ích cũng như khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Cần xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn được đào tạo và có cơ chế rõ ràng cho lực lượng khuyến nông cơ sở.

 

Bà Phạm Thị Vượng, Tập đoàn Quế Lâm đánh giá: Khuyến nông cộng đồng ra đời rất đúng thời điểm và phù hợp để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong việc chỉ đạo, hướng dẫn phát triển sản xuất nông nghiệp tại cơ sở. Tập đoàn Quế Lâm mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với khuyến nông cộng đồng để cùng chia sẻ cách làm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi trên phạm vi cả nước.

 

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tại hội nghị, trong 2 năm chúng ta đã làm được rất nhiều việc cho khuyến nông cộng đồng. Thời gian tới có thể củng cố tăng cường khuyến nông cộng đồng bằng cách huy động sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau như Hội Làm vườn, Hội Ngành hàng lúa gạo… đó là những lực lượng khuyến nông khổng lồ. Triển khai mô hình kinh tế chia sẻ từ các nguồn tài trợ quốc tế, đặc biệt là các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cấp xã, liên xã.

 

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị

Để hoàn thành được sứ mệnh kết nối cộng đồng, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị thời gian tới khuyến nông cần đào tạo nâng cao năng lực cho lực lượng khuyến nông cơ sở, đặc biệt là trong công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu, tham quan học tập kinh nghiệm tại nước ngoài. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẩn trương hoàn thiện bộ quy chế mẫu về hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng và xây dựng các văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố nhân rộng mô hình. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các bộ tài liệu phục vụ hoạt động khuyến nông cộng đồng, ưu tiên các tài liệu triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

 

Các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thành lập, kiện toàn các tổ khuyến nông cộng đồng, tạo điều kiện về môi trường làm việc trang thiết bị để hoạt động. Các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với khuyến nông cộng đồng trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ mới, sản xuất theo tiêu chuẩn, liên kết chuỗi giá trị.

 

Trước hai vấn đề đang đặt ra là xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đảm bảo quy hoạch và tập trung thực hiện các quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng trong nước và xuất khẩu đang là yêu cầu cấp bách của ngành nông nghiệp. Vì vậy, cần có đề án thử nghiệm mang tính đột phá cho ngành đó là Phát triển thí điểm các vùng nguyên liệu đạt chuẩn và đề án Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn khuyến nông cơ sở từ các tổ khuyến nông cộng đồng. Kết quả rất lớn của khuyến nông cộng đồng là tổ chức chuỗi sản xuất thông qua gắn kết hợp tác xã và doanh nghiệp, đây là kết quả ban đầu để chúng ta tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.

 

 Toàn cảnh hội nghị

 

Đỗ Tuấn - Thu Hằng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

(Nguồn https://khuyennongvn.gov.vn/)

Tin liên quan