Menu Close Menu
Quay lại

Phát triển công nghiệp sinh học: tạo sức bật cho ngành nông nghiệp TP.HCM

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

24/09/2024 : 00:09

Chiều 18/9, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sự kiện kết nối sáng tạo tháng 9/2024 với chủ đề “Hiện trạng và giải pháp phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM”.

toancanhok.png 

Toàn cảnh sự kiện.

Chương trình thuộc chuỗi sự kiện Inno-coffee năm 2024 (kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu và khu vực công), là dịp để những nhà quản lý, chuyên gia trao đổi nhiều nội dung thuộc lĩnh vực phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp trên địa bàn. Từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp hiện đại của TP.HCM tăng cao về giá trị, bền vững và thân thiện với môi trường.

Tại sự kiện, bà Hà Thị Loan (Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM) đã trình bày tham luận đề dẫn: “Hiện trạng và tìm kiếm giải pháp phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp”. Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng trình bày nhiều báo cáo tham luận như Giải pháp xử lý nông - thủy sản xuất khẩu bằng công nghệ sấy chân không và tia hồng ngoại; Hiện trạng và giải pháp phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp - lĩnh vực trồng trọt; Ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn lọc và nhân giống chuối già Cavendish chất lượng cao cung cấp cho thị trường.

Theo bà Loan, để thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng công nghiệp sinh học phục vụ ngành nông nghiệp, nhiều văn bản của Đảng và Chính phủ đã được ban hành. Thực hiện theo chỉ đạo, Thành phố cũng xây dựng nhiều chương trình, đề án phát triển nông nghiệp nói chung và công nghiệp sinh học nói riêng, chẳng hạn như Quyết định số 4176/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021-2030.

Trên tinh thần đó, TP.HCM dự kiến đến năm 2025 sẽ triển khai nghiên cứu, phát triển công nghệ tạo các chế phẩm sinh học (sản phẩm phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, chế phẩm bảo quản, xử lý môi trường, vắc xin thế hệ mới, kít thử...) trong trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tiến tới thay thế dần các sản phẩm nguồn gốc hóa học; tiếp tục nghiên cứu phát triển, tiến tới làm chủ công nghệ tế bào thực vật trong nhân giống cây trồng (rau, hoa kiểng,...); ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất ở quy mô công nghiệp; tạo và phát triển các giống cây, con mang tính cải tiến như sinh trưởng nhanh, chống chịu sâu bệnh và các điều kiện bất thuận…

Kế hoạch cũng dự kiến đến năm 2030, TP.HCM làm chủ được một số công nghệ sinh học thế hệ mới, tạo ra các sản phẩm ở quy mô công nghiệp ứng dụng vào sản xuất; tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật cho các doanh nghiệp công nghiệp sinh học, tổ chức khoa học, công nghệ và tổ chức chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế; tạo động lực đột phá, huy động nguồn lực phát triển tăng tối thiểu 30% số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản so với giai đoạn 2021-2025…

Qua các bài tham luận của chuyên gia, có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đã và đang đóng vai trò quan trọng tại TP.HCM. Nông nghiệp không chỉ là sản xuất theo phương pháp truyền thống, mà hiện nay đang dần áp dụng công nghệ sinh học để giải quyết nhiều vấn đề hạn chế như năng suất, kháng bệnh cho cây trồng, tăng cường khả năng chống chịu với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cải thiện và bảo vệ môi trường... Nhờ triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, đến nay, ngành nông nghiệp Thành phố đã bước đầu thay đổi “diện mạo” trong việc tạo ra các giống mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; tạo ra các công nghệ sản xuất chế phẩm chăm sóc và bảo vệ cây trồng, vật nuôi, các công nghệ bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp nhằm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Sự bứt phá của công nghiệp sinh học với những phát minh từ công nghệ gen, công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, kỹ thuật cấy mô, kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật di truyền... đã giải quyết được rất nhiều vấn đề nông nghiệp như giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập nhờ việc tăng năng suất và giảm thiểu sự phụ thuộc vào hóa chất bảo vệ thực vật.

KNSTTHAMLUAN.png

Ông Đỗ Thành Năm, đại diện Công ty Đầu tư Công nghệ Win-Win trình bày tham luận “Giải pháp xử lý nông - thủy sản xuất khẩu bằng công nghệ sấy chân không và tia hồng ngoại” tại sự kiện.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc ứng dụng công nghiệp sinh học còn khá chậm, ứng dụng quy mô công nghiệp còn hạn chế ở một số ít đơn vị, diện tích không tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sinh học có tăng nhưng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô vốn để đầu tư nhà máy ít; công tác đầu tư, nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghiệp sinh học trong nông nghiệp chưa được chú trọng; sản phẩm chất lượng chưa cao, thời gian lưu hành ngắn...

Trong phiên thảo luận tại sự kiện, một số ý kiến cho rằng cần có tư duy mở trong phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp. Cụ thể, cần có những nghiên cứu dài hơi phục vụ cho sản xuất, đồng thời, nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp để đảm bảo tính thực tiễn của công trình nghiên cứu; xây dựng cơ chế khuyến khích nghiên cứu khoa học, thúc đẩy chuyển giao các tiến bộ khoa học, song song với việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký sản phẩm; thu hút nguồn nhân lực được đào tạo tại nước ngoài; tập trung triển khai các dự án, mô hình sản xuất nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhanh chóng mở rộng việc ứng dụng công nghiệp sinh học, như nuôi cấy mô tế bào, công nghiệp sinh học phân tử, sử dụng chế phẩm sinh học, giá thể sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến...

KNSTTHAOLUAN.png

Sự kiện nhận được nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp của các chuyên gia và khách mời.

Đại diện Ban tổ chức, bà Đặng Thị Luận (Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, chuỗi sự kiện Inno-coffee nhằm kết nối chia sẻ khó khăn trong khu vực công, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, startup đưa ra những sáng kiến giải quyết vấn đề, đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM. Qua hoạt động kết nối sáng tạo tháng 9/2024 lần này, Sở mong muốn đề xuất, kết nối các giải pháp có giá trị cao để lãnh đạo các sở ban ngành liên quan hoàn thiện chiến lược, chọn lựa được nhiều giải pháp hiệu quả, góp phần phát triển đưa ngành nông nghiệp Thành phố vào nhóm dẫn đầu cả nước và ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực.

KNSTBALUAN.png

Bà Đặng Thị Luận (Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại sự kiện.

Minh Nhã (CESTI)

Tin liên quan