Menu Close Menu
Quay lại

Từ thợ mộc đến nông dân chăn nuôi giỏi

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

24/09/2024 : 00:09

Chật vật với nghề thợ mộc, ông Nguyễn Văn Công (SN 1971, ở thôn Tân Hóa Bắc, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) chuyển sang lĩnh vực chăn nuôi. Với nghề mới, ông đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2017 - 2022; mới đây ông vinh dự được Hội Nông dân tỉnh đề nghị UBND tỉnh trao tặng bằng khen.

Trước đây, cuộc sống gia đình ông Nguyễn Văn Công luôn trong cảnh chật vật, khi các khoản chi tiêu đều trông cậy vào nghề thợ mộc của ông. Năm 1998, nhận thấy tiềm năng từ nghề nuôi vịt, vợ chồng ông quyết định chuyển sang nuôi vịt thịt với số lượng khoảng 400 con mỗi lứa, mỗi năm nuôi 2 lứa. Tuy nhiên, giá cả bấp bênh khiến việc chuyển đổi nghề này không thành công như mong đợi.

Ông Nguyễn Văn Công đang chăm sóc đàn gà thịt.  Ảnh: TRỌNG LỢI

Không nản lòng, năm 1999, ông Công đầu tư trồng 1,5 ha cây keo, sau 5 năm thu hoạch được 120 triệu đồng. Số tiền này không chỉ giúp ông phục hồi tài chính mà còn là nền tảng để tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi heo. “Cây keo không chỉ cứu gia đình tôi qua giai đoạn khó khăn, mà còn là nền tảng để tôi bắt đầu lại”, ông chia sẻ.

Năm 2014, ông Công quyết định đầu tư vào chăn nuôi heo. “Năm đó, 5 con heo nái sinh ra hơn 60 heo con/lứa và nhờ giá heo lúc đó khá tốt, chúng tôi đã có lãi”, ông nhớ lại. Thành công bước đầu giúp ông tự tin mở rộng quy mô trang trại. Đến năm 2021, ông đã phát triển lên 20 con heo nái, mỗi năm sinh ra hơn 500 heo con. Nhờ chủ động con giống và chịu khó phát triển đàn heo thịt, mỗi năm ông xuất bán khoảng 52 tấn heo thịt, doanh thu đạt hơn 800 triệu đồng.

Tận dụng đất vườn nhà, ông nuôi gà và phát triển thêm đàn bò sinh sản. “Từ năm 2021 đến nay, tôi nuôi khoảng 600 con gà thịt mỗi năm, cùng với 6 con bò sinh sản. Tổng thu nhập từ việc bán gà, heo và bò đạt gần 1 tỷ đồng mỗi năm”, ông Công cho hay.

Ông Nguyễn Văn Công nhận định: “Thành công không đến ngay từ đầu. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và học hỏi không ngừng. Tôi luôn theo dõi thị trường và áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi để nâng cao hiệu quả. Khi thị trường không thuận lợi, cần phải biết thay đổi chiến lược. Chăn nuôi là một nghề kinh doanh, không thể dựa vào may rủi”.

Bên cạnh việc làm giàu cho gia đình, ông Công còn tích cực giúp đỡ cộng đồng. Mỗi năm, gia đình ông hỗ trợ từ 5 - 7 hộ nghèo bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời tạo điều kiện cho họ tham gia mô hình của mình. “Khi mình có điều kiện hơn, việc giúp đỡ bà con cùng phát triển là điều nên làm, lúc đó cả cộng đồng sẽ cùng vươn lên”, ông nhấn mạnh.

Với sự kiên trì, dám thay đổi và không ngừng học hỏi, ông Nguyễn Văn Công đã xây dựng thành công một trang trại chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và trở thành hình mẫu đáng học hỏi trong cộng đồng.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Cát, cho biết: Hằng năm, ông Công còn tích cực ủng hộ quỹ Đền ơn đáp nghĩa và quỹ Hỗ trợ nông dân. Ông còn phối hợp với cán bộ nông nghiệp xã tổ chức các lớp tập huấn tại nhà, chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao tiến bộ KHKT cho các hộ khó khăn. Gia đình ông luôn thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Gia đình ông liên tục được công nhận là gia đình văn hóa xuất sắc và gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ cấp huyện đến cấp tỉnh.

TRỌNG LỢI

(Nguồn https://baobinhdinh.vn/)

Tin liên quan