Tại Toạ đàm “Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh tổ chức, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, các nhà khoa học và bà con nông dân đã trao đổi, thảo luận về những hậu quả do hiệu ứng nhà kính gây ra, nguyên nhân và những giải pháp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Toàn cảnh tọa đàm |
Từ nguyên nhân gây nên lượng phát thải lớn
Các nghiên cứu cho thấy, ngành nông nghiệp nước ta đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Trong đó, 3 lĩnh vực chính có lượng phát thải lớn là: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e) chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e chiếm 13%.
Nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính trong trồng lúa nước gồm: thâm canh không bền vững, tỷ lệ phân bón và mức độ sử dụng nước cho tưới tiêu cao, quản lý không đúng cách các tàn dư như rơm rạ, trấu, sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong canh tác…
Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi gồm 2 nguồn chính: Khí mê tan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật.
Việc sử dụng nhiều phân bón vô cơ, phân chuồng và tàn dư thực vật bón cho đất cũng gây phát thải khí nhà kính, chủ yếu là khí N2O và CO2.
Đến giải pháp giảm phát thải khí nhà kính
Nhằm hướng dẫn nông dân thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai đồng bộ nhiều hoạt động trên phạm vi cả nước. Tập trung là hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn để trang bị đầy đủ cho người dân những kiến thức về giảm phát thải và tầm quan trọng của nó, từ đó giúp họ thay đổi tư duy sản xuất phù hợp, đồng thời Trung tâm cũng xây dựng các mô hình sản xuất giảm phát thải khí nhà kính.
Nổi bật là mô hình trồng lúa thuộc Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, các mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ, mô hình chăn nuôi tuần hoàn và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học kết hợp trồng trọt, triển khai dự án “Tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông Việt Nam trong chiến lược giảm thiểu khí phát thải nhà kính trong chăn nuôi”…
Ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp khẳng định, để giải quyết tình trạng nóng lên của trái đất, có nhiều biện pháp giảm phát thải khí nhà kính cần được áp dụng để nhằm đạt được mục tiêu này, cụ thể:
- Đối với chăn nuôi: Sử dụng công nghệ tiên tiến như Biogas và Biomass để chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành năng lượng tái tạo, giúp giảm phát thải mêtan đáng kể; Áp dụng công nghệ giám sát từ xa và dự báo để theo dõi, quản lý phát thải mêtan hiệu quả; Thay đổi khẩu phần ăn của gia súc như bổ sung chất bổ dưỡng hoặc phụ gia như dầu, bột đậu nành hoặc các chế phẩm lên men; Áp dụng các phương pháp xử lý phân như phơi khô, chế biến phân thành phân bón hoặc năng lượng tái tạo.
Mô hình chăn nuôi đệm lót an toàn sinh học sẽ không ô nhiễm môi trường |
- Đối với trồng trọt: Thay đổi chế độ nước trước và trong quá trình trồng lúa nước, tăng thời gian để ruộng khô trước thời vụ, tăng cường phơi ruộng để ruộng ẩm trong quá trình canh tác, đặc biệt là thời kì đạt số dảnh tối đa đến làm đòng. Áp dụng công nghệ tưới khô ướt xen kẽ (AWD) và canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng (3G3T), 1 phải 5 giảm (1P5G). Mở rộng mô hình luân canh lúa – tôm, chuyển đổi từ lúa nước sang các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn phù hợp với điều kiện cụ thể địa phương; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, quy trình, kỹ thuật trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Chấm dứt việc đốt phế, phụ phẩm nông nghiệp, áp dụng quy trình, công nghệ thu gom tập trung, phân loại, xử lý, tái sử dụng, tuần hoàn, chuyển đổi mục đích sử dụng.
Mô hình canh tác lúa thông minh là một trong những giải pháp góp phần giảm phát thải |
- Đối với quản lý đất và sử dụng phân bón: Giữ đất thông thoáng, bổ sung chất hữu cơ để cải tạo đất, không bón quá nhiều phân urê, phân đạm cho các loại cây trồng.
Bà Phạm Thị Vượng, Phó Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam đề xuất thêm giải pháp, đó là: Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, tuần hoàn, hữu cơ theo chuỗi. Áp dụng công nghệ vi sinh hiện đại, thức ăn hữu cơ, không sử dụng nước để hạn chế tối đa sử dụng nước, không mùi hôi, không xả thải, không ô nhiễm môi trường, vừa có phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt, không bỏ phí đi thứ gì, hạn chế tối đa dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo sinh kế cho người nông dân.
Ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: Để các công nghệ giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp được áp dụng rộng rãi, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các nghiên cứu để việc đầu tư các công nghệ vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính vừa thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Đồng thời, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực cho người dân, có chính sách khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt, theo hướng hữu cơ, an toàn… quản lý và tái tạo tài nguyên theo một chu trình khép kín nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của con người. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, đề xuất quy trình, quy chuẩn phù hợp từng đối tượng, lĩnh vực, vùng miền. Tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo chuỗi tuần hoàn. Tập trung, khai thác các nguồn lực tài nguyên, nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại tọa đàm |
Là quốc gia có phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp thì việc thực hiện các giải pháp thay đổi phương thức sản xuất để giảm phát thải được đánh giá là khả thi nhất để Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê-tan vào năm 2030 và thực hiện Net Zero, đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Thu Hằng
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
(Nguồn https://khuyennongvn.gov.vn/)