Những nông dân vượt khó làm giàu
07/11/2024 : 00:11
Bốn nông dân tiêu biểu của tỉnh Bình Ðịnh vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh. Nét chung của những điển hình này là không chỉ xây dựng mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, ổn định mà còn giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH địa phương.
Quyết tâm vượt khó, ham học hỏi
Ông Nguyễn Bá Luyện (SN 1974), hội viên Chi hội Nông dân thôn Tân Lập, xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) là người tiên phong trong nghề nuôi cá điêu hồng ở địa phương từ năm 2000. Theo ông Luyện, thời gian đầu gặp không ít khó khăn nhưng nhờ kiên trì học hỏi, rút kinh nghiệm, dần dần ông nâng cao chất lượng cá nuôi, được khách hàng trong và ngoài tỉnh tín nhiệm.
Ông Nguyễn Bá Luyện cho cá ăn. Ảnh: H.THU
Những năm qua ông Luyện đã nuôi thêm cá chép Koi, đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ việc bán cá điêu hồng giống, cá điêu hồng thịt và cá chép Koi, mỗi năm ông Luyện lãi được hơn 300 triệu đồng.
“Kết quả này có được là nhờ biết áp dụng hiệu quả các tiến bộ KHKT, nhất là thường xuyên cập nhật, học những kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu quả nuôi cá; đầu tư để nâng cấp và ổn định hệ thống cấp nước bền vững, sử dụng các loại chế phẩm sinh học tiên tiến cải tạo môi trường chăn nuôi an toàn”, ông Luyện chia sẻ.
Còn ông Hồ Ngọc Dũng (SN 1973), hội viên Chi hội Nông dân thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn) thì phát triển kinh tế bằng mô hình trang trại tổng hợp trồng cây ăn trái và chăn nuôi heo rừng lai, bò thịt và bò sinh sản. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, ông Dũng cải tạo 1 ha đất sình để trồng cỏ voi, mua rơm dự trữ.
Ông Dũng cho biết: Cùng với việc nắm vững kỹ thuật thông qua tập huấn, điều quan trọng nhất là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tự tìm tòi học hỏi qua tất cả các nguồn thông tin có thể. Từ việc đầu tư, áp dụng tiến bộ KHKT, 3 sản phẩm chủ lực của trang trại là quýt đường, bưởi da xanh, cam xoàn đã được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao.
Từ trồng trọt, chăn nuôi ông Dũng có lãi từ 250 - 300 triệu đồng/năm.
Cuộc sống gia đình chị Đinh Thị Nghiệp (SN 1984), hội viên Chi hội Nông dân thôn 1, xã An Nghĩa (huyện An Lão) trước đây trong cảnh nghèo khó. Nhận thấy muốn vươn lên thì không có cách nào khác là phải đổi mới cách làm ăn, năm 2015 chị vay mượn để đầu tư nuôi trâu sinh sản và trồng rừng keo.
Chị Nghiệp học hỏi kinh nghiệm một số hộ nông dân áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây trồng và vật nuôi, từ đó đạt hiệu quả, mở rộng mô hình qua từng năm, nuôi thêm bò sinh sản. Thu nhập từ trồng rừng, chăn nuôi mang lại cho gia đình chị khoản lãi từ 350 - 500 triệu đồng/năm.
Sản phẩm xe rùa của ông Lê Xuân Diễn. Ảnh: H.THU
Cũng vậy, với tinh thần học hỏi và mạnh dạn đầu tư, ông Lê Xuân Diễn (SN 1979), Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Bình Đê, xã Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn) đã thành lập xưởng sản xuất xe rùa và xe cải tiến phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng.
“Từ kinh nghiệm làm nghề và nắm bắt nhu cầu của thị trường, tôi tập trung nâng cao chất lượng để sản phẩm được bền hơn. Năm 2018, cơ sở của tôi sản xuất 5.000 xe rùa và 1.000 xe cải tiến, lãi được 420 triệu đồng. Đến năm 2023, sản lượng tăng lên 9.200 xe rùa và 2.700 xe cải tiến, lãi được 900 triệu đồng”, ông Diễn chia sẻ.
Sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn các hộ khó khăn
Những nông dân nêu trên không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng. Hoạt động trong các mô hình sản xuất khác nhau, nhưng họ đều hướng đến việc tạo thêm việc làm và hỗ trợ người nghèo ở địa phương. Từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình các ông Nguyễn Bá Luyện, ông Lê Xuân Diễn mỗi người đã tạo việc làm ổn định cho 10 - 12 lao động tại địa phương, với thu nhập trung bình từ 7,5 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra ông Luyện còn truyền đạt kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật để 10 hộ cùng phát triển kinh tế từ nuôi cá nước ngọt, góp phần tạo dựng một mô hình liên kết bền vững; cho 5 hộ khó khăn vay 150 triệu đồng không lấy lãi, giúp họ có thêm động lực phát triển sản xuất và giảm nghèo bền vững. Ông Diễn cũng không ngừng hỗ trợ bà con xung quanh, tạo điều kiện để 25 hộ tham quan và học hỏi mô hình của mình.
Ông Hồ Ngọc Dũng thì tạo việc làm cho 10 lao động phổ thông, ngoài ra còn hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để giúp 7 hộ giảm nghèo bền vững. Chị Nghiệp cũng tạo việc làm cho 10 lao động phổ thông, hướng dẫn 12 hộ gia đình phương thức sản xuất hiệu quả; cho 5 hộ vay 120 triệu đồng không tính lãi để họ có vốn phát triển sản xuất.
Những nông dân tiêu biểu này còn đóng góp đều đặn vào các quỹ xã hội, các công trình phúc lợi, đóng góp xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Họ đều chung một tấm lòng vì cộng đồng, như ông Hồ Ngọc Dũng luôn tâm niệm: “Mình làm ăn được thì phải giúp cho người khác, đó là trách nhiệm của con người sống ở đời”.
HOÀI THU
(Nguồn https://baobinhdinh.vn/)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững