Làm giàu từ mô hình chăn nuôi, dịch vụ
07/11/2024 : 00:11
Bà Hồ Thị Xuân Cảnh (60 tuổi, ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân) là tấm gương vượt khó tiêu biểu tại địa phương, nhờ biết tận dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH để phát triển mô hình chăn nuôi, sản xuất khép kín, tối ưu hóa mọi tài nguyên sẵn có, qua đó từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bà Cảnh chia sẻ, năm 2019, qua sự tư vấn, hướng dẫn của Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Chi hội Phụ nữ thôn Thạch Long 1, bà mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 5 con heo nái giống để nuôi. Nhờ biết áp dụng các biện pháp KHKT trong chăn nuôi và tích lũy kinh nghiệm từ việc tham quan các mô hình chăn nuôi heo thương phẩm trên địa bàn huyện, nên đàn heo sinh trưởng tốt. Từ đó, mỗi năm, gia đình bà xuất bán ra thị trường trên 80 con heo thịt (trọng lượng đạt trên 85 kg/con); theo tính toán, với giá heo hơi hiện nay từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bà thu lãi gần 250 triệu đồng.
Bà Hồ Thị Xuân Cảnh chăm sóc đàn heo gia đình nuôi. Ảnh: N.Q
Ngoài ra, điểm đặc biệt trong cách làm ăn của bà Cảnh, là bà luôn áp dụng mô hình “khép kín” trong chăn nuôi, sản xuất. Từ chất thải của đàn heo thải ra hằng ngày, bà tận dụng đưa vào hầm biogas ủ, tạo ra nguồn khí đốt sạch, phục vụ cho việc sinh hoạt, nấu rượu của gia đình.
Mặt khác, bã rượu sau khi chưng cất, nấu, bà tận dụng trộn với các phụ phẩm nông nghiệp khác, làm thức ăn hằng ngày cho đàn heo. Chu trình khép kín này, không chỉ giảm thiểu chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, mà còn tối ưu hóa nguồn lợi, giúp công việc chăn nuôi, sản xuất của gia đình đạt hiệu quả cao nhất.
Cũng theo bà Cảnh, để kinh tế gia đình phát triển hơn, gia đình bà còn đầu tư mở cửa hàng bán các mặt hàng điện, nước; mua xe ba gác phục vụ nhu cầu chở hàng hóa hằng ngày của người dân trong vùng. Chính nhờ sự cần cù, chịu khó và tận dụng triệt để mọi nguồn lực, tổng thu nhập của gia đình bà hiện đạt hơn 400 triệu đồng/năm, trở thành hộ có mức thu nhập cao tại địa phương.
“Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục vay thêm nguồn vốn tín dụng giải quyết việc làm hoặc sản xuất kinh doanh của Ngân hàng CSXH huyện để mở rộng quy mô chuồng trại, nhập thêm lứa heo giống mới, phát triển chăn nuôi mạnh hơn. Từ đó, tôi có thêm điều kiện, nguồn lực giúp đỡ các hộ chị em phụ nữ trong thôn cùng vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững”, bà Cảnh nói.
NGỌC QUỲNH
(Nguồn https://baobinhdinh.vn/)
Tin liên quan
- Xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị
- Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 20, năm 2024: Bình Định được trao 2 giải thưởng
- Những nông dân vượt khó làm giàu
- Cô gái 9X khởi nghiệp thành công từ dược liệu dân gian
- Thay đổi phương thức sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp
- Kiểm tra tiến độ nhiệm vụ về bảo tồn nguồn gen các giống cây trồng bản địa
- Vươn lên từ nghề truyền thống
- Khá lên nhờ trồng nấm
- Thành công từ nuôi gà đẻ trứng
- Khởi nghiệp thành công từ dược liệu dân gian