Hàng năm, tỉnh Sơn La có trên 30.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp,
là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị,
xây dựng tổ hợp tác, HTX.
Tại Sơn La, các cấp Hội đã kiên trì tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng; đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; lựa chọn bộ giống tốt, thực hiện lai tạo, ghép mắt cải tạo vườn tạp để hình thành nên các vùng trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, Hội có những cách làm linh hoạt, sáng tạo như: Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả để nhân rộng; đào tạo nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi thành tiểu giáo viên để lấy nông dân dạy nông dân cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư, cây giống, con giống; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến; dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân …
Nhờ đó, hiện trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị hiệu quả như: Mô hình liên kết sản xuất (MHLKSX) theo chuỗi giá trị giữa Công ty cổ phần mía đường Sơn La với hơn 10.500 hộ nông dân với diện tích trên 9.200ha; MHLKSX theo chuỗi giá trị giữa Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu với 548 hộ nông dân ở huyện Mộc Châu và huyện Vân Hồ chăn nuôi 27.790 con bò sữa; MHLKSX ngô lai giống giữa Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, huyện Mai Sơn với 400 hộ nông dân, diện tích 430ha; MHLKSX giữa HTX Cà phê Bích Thao Sơn La với hơn 800 hộ nông dân, diện tích 2.000ha cà phê; MHLKSX theo chuỗi giá trị giữa Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La với các HTX, nông dân dự kiến khi chạy hết công suất sẽ đạt 52.000 tấn sản phẩm/năm; MHLKSX theo chuỗi giá trị giữa Nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh Sơn La với 10.700 hộ nông dân, diện tích 20.000ha cà phê Arabica với sản lượng 30.000 tấn quả tươi/năm; MHLKSX theo chuỗi giá trị giữa Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Cát Quế với hơn 5.000 hộ, diện tích 4.203ha cà phê đạt tiêu chuẩn 4C về quy trình sản xuất cà phê nhân chất lượng cao…
Nhiều mô hình do Hội ND các cấp trong tỉnh trực tiếp xây dựng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình Chi Hội ND nghề nghiệp hoạt động theo nguyên tắc “5 tự” và “5 cùng”; mô hình vay vốn Quỹ HTND xây dựng các mô hình: Mô hình trồng, thâm canh cây ăn quả; mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, gắn với trồng cỏ; mô hình nuôi cá lồng, bè trên lòng hồ Thủy điện Sơn La; mô hình trồng rau, củ quả sạch ứng dụng công nghệ cao… đang được các cấp Hội tuyên truyền, vận động hội viên đến thăm quan học tập và làm theo.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội NDVN, hàng năm, Hội ND tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức phát động phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững với hơn 90.000 hộ đăng ký thi đua. Qua bình xét có trên 30.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, đây là lực lượng nòng cốt để Hội lựa chọn các hộ tiêu biểu tham gia xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị, xây dựng tổ hợp tác, HTX đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 70.000 lao động nông thôn.
Sự nỗ lực của các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đã góp phần rất quan trọng vào kết quả thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiệu quả, bền vững. Đến nay, Sơn La đã trở thành tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước với diện tích 84.784 ha; sản lượng ước đạt trên 450.000 tấn/năm. Tổng đàn trâu, bò trên 505.860 con, trong đó bò thịt 365.770 con. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên 2.981ha, số lồng nuôi cá 6.772 lồng, với sản lượng nuôi trồng đạt 8.040 tấn. Sản lượng khai thác thủy sản trên các lòng hồ, sông, suối đạt 1.369 tấn, đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.
Tại Hòa Bình, thông qua phong trào nông dân SXKD giỏi đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều tấm gương nông dân điển hình tiến tiến, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào SXKD. Tiêu biểu như: Hộ gia đình ông Đinh Công Sử - xã Cao Sơn (huyện Lương Sơn) với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả, thu nhập bình quân trên 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 05 lao động; hộ gia đình ông Nguyễn Đình Tuấn- xã Bảo Hiệu (huyện Yên Thủy) trồng cây ăn quả kết hợp kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, thu nhập bình quân từ 1,4 - 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng; hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thúy Ngân- xã Phú Nghĩa (huyện Lạc Thủy) chăn nuôi bò sữa kết hợp trồng cây lâu năm, thu nhập bình quân trên 1,3 tỷ đồng/năm...
Để khuyến khích nông dân thi đua SXKD giỏi, các cấp Hội ND chú trọng hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay. Hiện tổng nguồn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lý đạt trên 53 tỷ đồng, cho 9.945 hộ vay triển khai 754 dự án. Hội còn phối hợp với các ngân hàng: Chính sách xã hội, Nông nghiệp và PTNT, Liên Việt tín chấp cho trên 52.270 lượt hội viên, nông dân vay vốn với mức dư nợ hàng năm đạt trên 3.747 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hàng năm, Hội ND các cấp ký kết với các trường dạy nghề trong, ngoài tỉnh và phối hợp với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tổ chức 294 lớp nghề, 1.136 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 74 nghìn lượt hội viên nông dân. Đồng thời hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thông qua 10 cửa hàng nông sản an toàn tại địa phương, các hội chợ; ký chương trình phối hợp với các tỉnh, thành phố, các đơn vị trong tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và đưa các sản phẩm, hàng hóa lên sàn thương mại điện tử.
Hội còn hướng dẫn và trực tiếp thành lập mới 72 HTX, 329 tổ hợp tác, nâng tổng số mô hình kinh tế tập thể toàn tỉnh lên 718 mô hình với trên 7.000 thành viên; hỗ trợ xây dựng mới được 94 chi Hội ND nghề nghiệp, 542 tổ Hội ND nghề nghiệp, nâng tổng số lên 100 chi Hội và 606 tổ Hội. Nhiều mô hình đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị của hàng hóa, góp phần hình thành trên 30 mô hình liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho hiệu quả kinh tế cao.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, các cấp Hội đã có nhiều phương thức hỗ trợ hội viên như: Phối hợp thực hiện 442 mô hình trình diễn nông nghiệp và mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đưa 7.132 lượt hội viên nông dân tham quan, học tập mô hình sản xuất nông nghiệp, mô hình HTX hoạt động hiệu quả trong và ngoài thành phố; hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng phương án sản xuất và thực hiện giải ngân cho 84.580 lượt hội viên nông dân vay 3.194,88 tỷ đồng từ các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng mô hình sản xuất, trang bị máy móc, phương tiện sản xuất; vận động thành lập mới 32 chi Hội và 360 tổ Hội nghề nghiệp thường xuyên sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm SXKD; vận động thành lập mới 95 HTX và 601 tổ hợp tác, phát huy vai trò liên kết hội viên nông dân SXKD. Đến nay, có 2.470 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tạo nên chuỗi liên kết giá trị bền vững cho sản xuất nông nghiệp thành phố.
Hội còn duy trì tổ chức họp mặt Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nông dân SXKD giỏi” hàng năm với từng chuyên đề cụ thể, đã tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; ghi nhận những khó khăn trong quá trình SXKD của hội viên nông dân và có giải pháp hỗ trợ, giải quyết thiết thực, phù hợp.
Đến nay, các cấp Hội ND thành phố đã xây dựng được 426 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị với 116 sản phẩm được tôn vinh ”Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh”, 102 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (có 36 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 66 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao).
Với phương châm “Nông dân khá giúp nông dân khó”, các Câu lạc bộ Nông dân SXKD giỏi cũng đã tích cực tham gia các công trình an sinh xã hội với mức đóng góp bình quân 20 triệu đồng/CLB/năm để thực hiện 452 công trình an sinh xã hội, giúp đỡ 12.238 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, cùng với đó các cấp Hội hỗ trợ 3.189 hộ vượt nghèo và vươn lên làm giàu.
Tại Ninh Thuận, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ… qua đó giúp hội viên nông dân chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”. Với phương châm lấy “khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính của phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn”, Hội đã tăng cường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, tiêu thụ, chế biến giữa các nhóm hộ hội viên và các đơn vị, doanh nghiệp, góp phần đa dạng hoá sản phẩm, gia tăng giá trị, thương hiệu, phát triển các chuỗi ngành hàng bền vững. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản.
Tiêu biểu như: Mô hình sản xuất cánh đồng lớn được duy trì và mở rộng với tổng diện tích gần 4.158 ha/31 cánh đồng; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động 67 mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả 1.920,7ha sang cây trồng đặc thù có hiệu quả kinh tế cao; duy trì 05 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật tiến tiến, công nghệ hiện đại và phát triển mới 06 liên kết chuỗi giá trị nâng tổng số lên 72 chuỗi… Hội còn hỗ trợ xây dựng và chứng nhận VietGAP cho 31 HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất với 414 ha/1.422 hộ trên các đối tượng cây trồng: Nho, măng tây, nha đam, hành tím, tỏi, trái cây Ninh Sơn, táo, xoài, bưởi...
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đa dạng các mô hình tập hợp, thu hút nông dân SXKD giỏi thông qua các HTX, tổ hợp tác, chi, tổ Hội nghề nghiệp; gắn tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào với tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân; làm chuyển biến nhận thức của hội viên nông dân về tư duy kinh tế, từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, liên kết hợp tác, ứng dụng KHKT, công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm; tích cực hỗ trợ xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững, mô hình kinh tế tập thể liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao; nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, đào tạo nghề, xây dựng cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, nông sản an toàn tại các địa phương…