Khởi nghiệp từ trăn trở với quê hương
19/11/2024 : 00:11
Tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Bình Ðịnh lần thứ IV năm 2024 do Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức, các nhóm tác giả đạt giải cao đều gây ấn tượng bởi những ý tưởng gắn bó với thực tiễn cuộc sống.
Nhóm tác giả Nguyễn Đắc Đợi, Đỗ Văn Nết, Võ Hữu Nhật (TX Hoài Nhơn) đoạt giải nhất Cuộc thi với dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất nâng tầm sản phẩm địa phương”.
Anh Nguyễn Đắc Đợi mang đến Cuộc thi những sản phẩm áp dụng công nghệ cao để sản xuất. Ảnh: D.L
Anh Nguyễn Đắc Đợi (trưởng nhóm) kể: Nhận thấy sản phẩm từ cây dừa ở quê hương mình chưa nhiều, chưa phong phú như ở một số tỉnh thành phía Nam, ví dụ các sản phẩm decor làm từ dừa được bán với giá cao trong khi ở Hoài Nhơn chưa ai, cơ sở nào tiến vào địa hạt này, tôi nảy ra ý tưởng áp dụng công nghệ laser và CNC để sản xuất một số sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ cây dừa. Chúng tôi xây dựng xưởng, đầu tư máy móc, thiết bị và liên kết gần 20 hộ kinh doanh bánh tráng nước dừa, kẹo dừa, đại lý thu mua dừa lớn ở địa phương; chọn ra những trái già, còn nguyên vẹn, sạch cơm để chế tác thành lồng đèn, biểu trưng, vật lưu niệm. Ngoài ra, tôi còn làm hũ đựng trà, ly uống nước từ tre.
An Toàn là xã dẫn đầu huyện về phát triển diện tích cây quế (hơn 180 ha). Tuy nhiên, để thu hoạch quế, người dân phải trồng, chăm sóc vất vả suốt từ 5 - 10 năm nhưng chủ yếu là bóc vỏ, phơi khô để bán hoặc bán tươi lá, cành, vỏ cho thương lái với giá khá thấp.
Sản phẩm “Nụ quế thông An Toàn” thường được chị Võ Minh Mơ và những thành viên HTX Dịch vụ và Dược liệu An Lão mang đến các hội chợ để quảng bá. Ảnh: NVCC
Trước thực trạng này, anh Đinh Lê Tuấn Anh, chị Võ Minh Mơ (huyện An Lão) và những người bạn đã lập HTX Dịch vụ và Dược liệu An Lão, tiến hành nghiên cứu, tạo ra “Nụ quế thông An Toàn” nhằm phát huy tối đa giá trị loại dược liệu này, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đây cũng là dự án đoạt giải nhì tại cuộc thi. “Bằng cách tận dụng nguồn dược liệu sạch tại địa phương, chúng tôi đã tạo ra sản phẩm nụ quế thông làm từ quế An Toàn nguyên chất. Bên cạnh đó, chúng tôi đã chuyển giao kỹ thuật để bà con Bana, H’re ở địa phương có thể tự sản xuất, nâng tầm giá trị cây quế tại địa phương”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Không dừng lại với những gì đã đạt được, đáng chú ý cả 2 dự án trên đều có hướng đi cụ thể để phát triển bền vững, lâu dài. Ngoài hàng có sẵn, làm với số lượng lớn, nhóm sản xuất của anh Đợi còn nhận thiết kế theo yêu cầu, đảm bảo yêu cầu cá biệt hóa cho khách hàng - điều mà ít đơn vị thực hiện bởi đa phần đều sản xuất theo lô. Đặc biệt, anh sẵn sàng đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ đầu mối khách hàng để thanh niên ở địa phương cùng tham gia gia công… Nhờ đó cơ sở của anh đã nhanh chóng đa dạng hóa nhiều phân khúc khách hàng; hơn nữa với quy mô nhỏ, cơ sở có thể linh hoạt đáp ứng chính xác nhu cầu của khách hàng.
Hiện tại, số lượng sản phẩm bán ra ngày càng nhiều. Tuy nhiên, để dự án phát triển lâu dài, anh Đợi vẫn chú trọng học hỏi từ nhiều đơn vị, DN khác. Anh Đợi bày tỏ: “Ngoài mong muốn được hỗ trợ thêm về vốn, tôi mong chính quyền, cơ quan chức năng tạo điều kiện tổ chức, tạo liên kết cho các chuỗi sản xuất ở địa phương để có thêm cơ hội mở rộng sản xuất, phát triển”.
Tương tự, vì phù hợp với xu hướng dùng sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe, mang hương thơm tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản, dễ làm, chi phí đầu tư thấp, “Nụ quế thông An Toàn” đang dần tạo ấn tượng nhờ khả năng khử mùi, làm sạch không khí, thư giãn tinh thần, sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. “Chúng tôi đã và đang tích cực đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, đồng thời kết nối, đưa sản phẩm lên kệ siêu thị mini; tiến hành xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm trên toàn quốc, nâng cao sản lượng sản xuất. Ngoài ra, việc quảng bá tại các chương trình, hội chợ cũng là hướng đi được chú trọng để đưa sản phẩm trở nên quen thuộc hơn với thị trường”, chị Mơ chia sẻ.
Những thanh niên khởi nghiệp sáng tạo luôn được sự quan tâm, đồng hành của Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh. “Từ năm 2021 đến nay, Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đều tổ chức Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nhằm tìm ra những dự án tiềm năng, có khả năng nhân rộng và phát triển; từ đó, lắng nghe nhu cầu của các tác giả, nhóm tác giả để hỗ trợ hiệu quả bằng nhiều hình thức, góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của ĐVTN tỉnh nhà”, anh Phạm Hồng Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh, cho biết.
DƯƠNG LINH
(Nguồn https://baobinhdinh.vn/)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững