Menu Close Menu
Quay lại

Vang xa thương hiệu Trà Dung

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

11/10/2018 : 00:10

Ngọt ngào, thanh mát, màu sắc bắt mắt, đó là ấn tượng khó phai nếu ai có dịp thưởng thức hương vị Trà (chè) Dung của núi rừng Vân Canh (Bình Định). Người góp phần làm nên thương hiệu đặc trưng ấy là chàng thanh niên Nguyễn Cảnh Duy, tuổi đời vừa tròn 39.

Mày mò, chịu khó

Dưới tiết trời oi ả giữa những ngày thượng tuần tháng 7, chúng tôi tìm về thôn Tăng Lợi (xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định), hỏi thăm nhà “anh Duy - Trà Dung”, ai cũng biết, vì anh là người đi tiên phong đưa máy móc khoa học kỹ thuật công nghệ ứng dụng vào việc chế biến cây Chè Dung thành những sản phẩm chất lượng, được thị trường ưa chuộng.

Tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn, chuyên ngành Sư phạm Sử - Chính trị (niên khóa 1997-2001), nhưng anh Duy lại không đi theo nghiệp “trồng người” mà chuyển hướng sang làm kinh doanh. Trong một lần tình cờ xuống Quy Nhơn, vào quán cà phê uống nước với bạn bè, anh khá ấn tượng với màu trà vàng chanh bắt mắt, vị thanh mát, không chát như những vị trà mà anh thường gặp. Hỏi thăm mới biết đó là Chè Dung (có nơi gọi là Chè Dum), mọc nhiều ở vùng núi Canh Liên (Vân Canh, Bình Định). Cơ duyên đến với “Trà Dung” của Duy bắt đầu từ đó.
 

“Trải qua rất nhiều nghề, từ tiếp thị cà phê đến làm công nhân cho các xưởng sản xuất chè, công việc vất vả mà thu nhập không đáng là bao. Nhưng cũng nhờ làm các công việc đó mà tôi nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, tốt cho sức khỏe. Từ đó tôi nghĩ đến cây Chè Dung và bắt đầu tìm hiểu, học hỏi phương thức sản xuất. Nhưng khi ấy, tôi không có vốn nên chỉ có thể mua lá chè về phơi khô, sau đó đóng gói rồi đem bỏ cho các quán cà phê”, anh Duy chân tình bộc bạch.

Nói là thế nhưng quy trình làm cũng lắm công phu, gồm: chọn lọc lá chè, sơ chế, băm, sấy (hoặc phơi khô), sàn lọc phân loại (xay nhỏ nếu có), đóng gói và cho ra thành phẩm. Chân ướt, chân ráo bước vào sản xuất, anh Duy gặp phải không ít khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nhưng với bản tính cần cù, chịu khó và cách tiếp cận thị trường tốt, thông qua các quán cà phê, các hội chợ hàng nông sản trong và ngoài tỉnh, sản phẩm Chè Dung Vân Canh của anh đã được khách hàng biết đến, như: Quy Nhơn, Tuy Phước (Bình Định), Phú Yên, Quảng Ngãi, Gia Lai…

Chắp cánh thương hiệu bay xa

Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo các cấp, cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Công thương đã góp phần chắp cánh cho thương hiệu Trà Dung của anh Duy tung cánh bay xa và khẳng định thương hiệu của mình. Năm 2015, anh được Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương Bình Định) hỗ trợ 80 triệu đồng, anh vay mượn và huy động thêm để đầu tư máy móc hết 220 triệu đồng, để biến Trà Dung sơ chế thông thường thành nhiều dòng sản phẩm khác, như: Trà Dung túi lọc, Trà Dung bột, Trà Dung sấy khô… 
 


Hiện nay, mỗi ngày cơ sở của anh Duy cung cấp ra thị trường trung bình 100kg sản phẩm các loại, với giá từ 60 – 300 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh lãi 20 – 25 triệu đồng/tháng. Không chỉ tăng thu nhập cho bản thân, anh còn tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên trong thôn, với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.

Khi cơ sở đi vào hoạt động ổn định và thị trường bắt đầu “hít” hàng, điều khiến anh Duy trăn trở đó là làm cách nào để có nguồn nguyên liệu bền vững. Tuy là loại cây tự nhiên, mọc rất nhiều ở vùng núi tỉnh Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung nhưng do người dân khai thác bừa bãi, cộng với phong trào trồng keo ngày một phát triển nên cây Chè Dung cũng dần ít đi.
 
Không muốn nhìn thấy cảnh một loại trà tốt, nhiều công dụng cho sức khỏe của quê mình bị “tiệt chủng”, anh Duy tự mày mò tìm cách trồng. Đầu năm 2016, anh bắt đầu tìm cây giống trên rừng đem về ươm chiết, trồng thử nghiệm trong vườn nhà và thấy cây phát triển tốt. Thời gian tới, anh dự định nhân rộng ra khoảng 1ha để làm mô hình thí điểm nếu thành công, anh sẽ phổ biến kỹ thuật cho bà con địa phương trồng đại trà và sẽ đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con. Theo tính toán của anh Duy, với giá cả hiện nay, một ha Chè Dung sẽ cho thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng/ năm, cao hơn nhiều so với trồng keo. 

Nhận xét về “Duy Trà Dung”, ông Trương Hữu Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Canh Vinh, cho biết: “Anh Duy là người dám nghĩ, dám làm và giúp cho một số người dân địa phương có việc làm và thu nhập ổn định. Ý tưởng phát triển vùng nguyên liệu Chè Dung của anh Duy nếu thành công sẽ là một bước đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp của xã. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ tìm cách giúp anh Duy tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, biến cây Chè Dung trở thành cây trồng chủ lực ở địa phương, giúp nông dân thoát nghèo bền vững”.

Kim Cương -Thời báo làng nghề Việt

Tin liên quan