Menu Close Menu
Quay lại

ĐỊNH VỊ THƯƠNG HIỆU CHO SẢN PHẨM NƯỚC MẮM ĐỀ GI

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

29/10/2022 : 00:10

Không ai biết nước mắm Đề Gi có từ khi nào, chỉ biết đây là loại nước mắm có vị ngon nổi tiếng mà ngày xưa được dùng để tiến vua.

Không ai biết nước mắm Đề Gi có từ khi nào, chỉ biết đây là loại nước mắm có vị ngon nổi tiếng mà ngày xưa được dùng để tiến vua. Nước mắm Đề Gi có màu vàng rơm óng ánh, hương vị đậm đà, có mùi thơm đặc trưng tự nhiên rất riêng, chỉ ở xứ này mới có được. Làng nghề nước mắm Đề Gi nằm ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát. Ở đây dù có nhiều thương hiệu nước mắm khác nhau, song vẫn được gọi chung là nước mắm Đề Gi.

Thương hiệu nước mắm Diệu Thủy, sản phẩm của nước mắm Đề Gi. Ảnh: HH

Người ta nói rằng con cá và hạt muối ở đây đã tạo nên vị ngon khác biệt của nước mắm Đề Gi. Nơi đây có nguồn nguyên liệu cá cơm, cá nục, cá sơn, cá ngân… có sẵn trong tự nhiên ở biển, ở đầm Đề Gi. Nguồn muối dùng để muối cá cũng được làm từ nước biển ở vùng biển Đề Gi. Muối Đề Gi từ lâu nổi tiếng có hàm lượng NaCl (Natri clorua) cao, hàm lượng Magiê, Canxi và Sunfat thấp nên muối có hương vị đậm đà, dịu ngọt độc đáo.

Cá được muốn từ 6-10 tháng bắt đầu rút lù để lấy nước mắm. Ảnh: HH

Cũng là “3 cá, 1 muối” nhưng nước mắm ở Đề Gi mặn hơn nước mắm các nơi khác. Cá và muối được trộn đều nhau, cho vào thùng nhựa, rồi ém cá bằng vải và nan tre, đậy kín bằng lớp ni lông để ngăn côn trùng và ngăn mùi mắm tỏa ra ngoài. Sau 6-10 tháng bắt đầu rút lù để lấy những giọt nước mắm đầu tiên. Nước mắm này gọi là nước mắm nhất. Lấy hết nước mắm nhất sẽ lấy thêm nước mắm nhỉ. Nước mắm nhỉ có màu trong hơn, không cần lược, cứ đóng chai để ăn sống. Tùy theo chất lượng loại mắm sẽ có giá thành khác nhau, loại bình dân là 80-90 ngàn đồng/lít.

Mắm được lọc thủ công nên giữ trọn hương vị thuần khiết của biển cả. Ảnh: HH

Cũng như hơn 300 hộ dân làm nghề sản xuất nước mắm truyền thống ở Đề Gi, cơ sở nước mắm Diệu Thủy là thương hiệu “cha truyền con nối”, chủ yếu theo phương thức thủ công. Chính bởi thế sản lượng làm ra không lớn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại chỗ, thường là bán tại các chợ địa phương. Bên cạnh đó, việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm chưa được chú trọng. Quen đâu thì bán đó, không có sự cạnh tranh. Điều này dẫn tới thực trạng là nếu có nhiều mối quen thì không đủ bán, ngược lại làm nhiều thì bán không hết.

Gắn nhãn hiệu cho sản phẩm nước mắm Diệu Thủy. Ảnh: HH

Làng nghề nước mắm Đề Gi đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN trao chứng nhận nhãn hiệu, thương hiệu nước mắm Đề Gi năm 2017; nhờ đó sản phẩm được nhiều người biết đến nhiều hơn. Nhằm giúp nước mắm Đề Gi khẳng định thương hiệu trên thị trường, năm 2022, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN thuộc Sở KH&CN Bình Định triển khai thực hiện nhiệm vụ “Ứng dụng CNTT hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Định”. Trong đó, nước mắm Đề Gi là một trong số các sản phẩm nhận được hỗ trợ dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm.

Nhân viên Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN hướng dẫn, hỗ trợ chủ cơ sở nước mắm Diệu Thủy thực hiện dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm. Ảnh: HH

Để được cấp và sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc, cơ sở sản xuất  phải đáp ứng nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng dùng điện thoại thông minh để quét mã tem trên sản phẩm sẽ nắm được các thông tin về sản phẩm như: nguồn gốc, đặc điểm, chủng loại, giá bán, doanh nghiệp sản xuất… Việc dán tem điện tử không chỉ giúp minh bạch thông tin về chất lượng sản phẩm, tạo lòng tin cho khách hàng, mà còn là cơ hội để nhãn hiệu nước mắm Đề Gi khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Đây cũng là bước đi cần thiết nhằm hướng đến việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nước mắm Đề Gi.

HỒNG HÀ

(Nguồn biast.binhdinh.v)

Tin liên quan