Menu Close Menu
Quay lại

Ði lên từ nghề sản xuất bánh tráng máy

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

18/10/2018 : 00:10

Ở thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn (Tuy Phước), cơ sở sản xuất bánh tráng máy của anh Quảng Văn Đinh (42 tuổi) khá có tiếng bởi không những cung cấp bánh tráng cho thị trường trong huyện, tỉnh, lên cả Tây Nguyên, mà anh Đinh còn kiêm luôn việc sản suất, lắp đặt máy bánh tráng cho những hộ sản xuất có nhu cầu.


Anh Quảng Văn Đinh điều khiển máy bánh tráng.

Anh Đinh cởi mở chia sẻ về công việc của mình: “Bánh tráng máy làm thay sức người, năng suất cao, chứ tráng bánh tay truyền thống năng suất thấp, lại khổ nỗi phải lo chất đốt và ngồi suốt ngày. Còn giờ, đóng cầu dao điện, nước sôi, điều chỉnh nhiệt độ tự động, nên tráng mấy cũng được. Trước đây mới lắp máy, chưa nắm vững kỹ thuật nên lúng ta lúng túng, chứ giờ tôi thành thạo cả rồi. Tôi còn nghiên cứu lắp thêm bộ điều khiển chạy nhanh, chậm nên sản xuất theo ý muốn”.

Trước khi đến với nghề bánh tráng, anh Đinh từng làm thợ xây, sau đó là mở cơ sở sản xuất chiếu cói. Tuy vậy, cơ sở làm chiếu hoạt động được chừng 1 năm thì anh thua lỗ, vì sản phẩm tiêu thụ chậm.

Sau thất bại này, anh Đinh tìm hiểu thấy nghề bánh tráng máy dễ làm, thị trường tiêu thụ rộng lớn nên quyết định vay 80 triệu đồng mua máy tráng bánh. Điều đáng nói là quá trình theo dõi thợ lắp đặt máy, anh học hỏi và sau đó mua nguyên vật liệu, đồ nghề về mày mò tự sản xuất máy bánh tráng, làm xong chạy thử, thấy máy hoạt động ổn định không thua gì máy đã mua trước đó. Từ đó đến nay, anh Đinh tự sản xuất và lắp đặt được 19 máy tráng bánh cho các cơ sở sản xuất bánh tráng trong và ngoài huyện, với giá chỉ 38 triệu đồng/máy, rẻ hơn 5 triệu đồng/máy so với mua từ các cơ sở khác.

Nhờ làm nghề bánh tráng máy và sản xuất lắp đặt máy tráng bánh mà thu nhập của gia đình anh Đinh ngày một tăng. Mỗi ngày, cơ sở của anh sản xuất ra 300 kg bánh tráng, lãi 700 ngàn đồng. Bất kể ngày mưa hay nắng, cơ sở đều hoạt động, lúc mưa thì bánh tráng được sấy bằng điện, còn nắng thì phơi bánh ngoài trời. Cơ sở thu hút 6 lao động làm việc thường xuyên với tiền công 3,6 triệu đồng/người/tháng, chưa kể 2 lao động làm ca đêm từ 19-21 giờ chuyên cắt, đóng gói bánh tráng vào bao. Nhờ theo nghề tráng bánh tráng máy mà anh Đinh trả hết nợ, còn tích lũy vốn xây được nhà, lo cho hai con ăn học đầy đủ.

Anh Đinh cho biết, sắp tới, anh sẽ thuê đất để mở rộng sân phơi, tăng sản lượng, thu hút thêm lao động nông nhàn, vì bánh tráng làm ra hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.

XUÂN THỨC - Báo Bình Định

Tin liên quan