Menu Close Menu
Quay lại

Làng nón Vĩnh Đức

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

17/10/2018 : 00:10

Nhắc đến nghề nón, hẳn nhiều người nghĩ ngay đến Phú Gia, Gò Găng. Thật ra, ở Bình Định, vẫn còn nhiều địa danh khác gắn liền với chiếc nón. Ở Phù Cát có Kiều An, Kiều Huyên (xã Cát Tân), Phong An (xã Cát Trinh); ở An Nhơn có Châu Thành (xã Nhơn Thành), Bình Đức (xã Nhơn Mỹ). Và ở Hoài Ân, từ lâu thôn Vĩnh Đức (xã Ân Tín) đã nổi danh với nghề chằm nón lá…

Chúng tôi đến Vĩnh Đức lúc trời đã đứng nắng. Hai bên đường vào thôn, lá nguồn phơi đầy khắp. Trên hành lang ngôi nhà nhỏ giữa thôn, 6 người phụ nữ vừa thoăn thoắt chằm nón, vừa trò chuyện rôm rả.

Buổi trưa, phụ nữ Vĩnh Đức thường tập trung lại, vừa chằm nón vừa chuyện trò rôm rả.

Năm nay, bà Nguyễn Thị Lan đã gần 80 tuổi, nhưng mắt bà hãy còn tinh, tay vẫn lanh lẹ lắm. Mỗi ngày bà làm được 3 cái nón, kiếm được gần 15 ngàn đồng. “Những người già như tôi không còn ra đồng làm ruộng được nữa. Cũng may còn cái nghề làm nón truyền thống, công việc nhẹ nhàng, tuy thu nhập không cao nhưng cũng đỡ được tiền mắm muối, chợ búa cho con cháu. Với lại, mưa nắng gì cũng làm được. Buổi tối, người mê phim vừa coi vừa làm; buổi trưa, tập trung lại, vừa làm vừa trò chuyện vui đùa, thắt chặt tình làng nghĩa xóm” - bà Lan thủ thỉ.

Bà Nguyễn Thị Bước, 73 tuổi, là người chuyên đi mua nón của bà con trong xóm làm ra để gửi bán khắp nơi. Mỗi tháng, bà mua được 250-300 cái nón, tiêu thụ ở Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão đến tận các tỉnh Tây Nguyên. Nón mà bà buôn chủ yếu là loại chất lượng trung bình, giá từ 6-10.000 đồng/cái và một ít nón loại tốt, giá 20-25.000 đồng/cái. Hiện giờ, cả thôn chỉ còn khoảng 15-20 người làm nón tốt với những kỹ thuật chằm cầu kỳ, nguyên liệu lựa chọn kỹ càng. Điều đáng chú ý là chiếc nón bông (có hoa văn) giờ chẳng mấy người dùng, nên cũng chẳng còn ai làm nữa.

Các nguyên liệu làm nón của người Vĩnh Đức đều có nguồn gốc tự nhiên. Những người trẻ khỏe lên rừng An Lão hái lá nguồn để sẵn, làm trong vài tháng; những người không đi hái được thì mua lại của đồng bào dân tộc. Cây tre, cây đùng đình để làm khung nón, người làng nón cũng tự chặt lấy.

Lá nguồn để làm nón phơi khắp thôn Vĩnh Đức.

So với những làng nón khác, kỹ thuật làm nón của người Vĩnh Đức có điểm khác. Bà Trần Thị Vui, 50 tuổi, phân tích: “Nón Gò Găng, Phú Gia chằm bằng hai tay; tay trên đưa kim xuống thì tay dưới đưa kim lên. Trong khi đó, người Vĩnh Đức một tay giữ cố định nón, một tay chằm. Có lẽ bởi vậy mà nón bền, chắc hơn, phù hợp với người nông dân “ăn chắc mặc bền”, ngày ngày làm đồng, làm rẫy”. Bà Vui cũng cho biết, hồi trước, mẹ bà sống nhờ nghề làm nón, giờ thì làm nón chỉ là nghề phụ, giải quyết lao động lúc nông nhàn mà thôi…

Những người già trong thôn tự hào cho biết, sản phẩm nón lá ở Vĩnh Đức một thời nổi tiếng với tên gọi nón Đồng Dài, chẳng kém nón Huế, nón Gò Găng là bao. Họ chẳng biết nghề làm nón ở quê mình ra đời từ khi nào, chỉ biết rằng, trải qua bao thế hệ, nghề làm nón vẫn gắn bó mật thiết với đời sống người dân nơi đây. Bao năm qua, người dân Vĩnh Đức vẫn giữ nghề như giữ bản sắc quê hương. Cả thôn Vĩnh Đức có 600 nóc nhà thì đã có đến hơn 300 hộ làm nghề chằm nón. Đến giờ, đa phần người già, người trẻ trong thôn hàng ngày đều chằm nón. Đến như cụ bà Hồ Thị Xưng, 86 tuổi, vậy mà vẫn mày mò chằm suốt ngày. Những học sinh sau giờ học cũng mải miết chằm nón để góp thêm tiền mua sách vở…

Những người già cũng miệt mài chằm nón, kiếm ít tiền mắm muối, chợ búa cho con cháu.

Để góp phần khôi phục, phát triển nghề làm nón lá truyền thống này, năm 2002, Chi hội Phụ nữ thôn Vĩnh Đức đã thành lập Câu lạc bộ Chằm nón với 35 hội viên. “Đến nay, Câu lạc bộ đã có 53 hội viên, 3 tháng sinh hoạt 1 lần. Câu lạc bộ đã tạo điều kiện cho 15 chị em vay 84 triệu đồng. Từ đó, giúp nhiều người có thu nhập khá từ nghề làm nón, cải thiện cuộc sống” - bà Võ Thị Chín, Chi hội trưởng, cho biết.

Đất Hoài Ân vốn có nhiều nghề truyền thống. Trải qua thời gian, vì nhiều lý do khác nhau, các nghề: đúc đồng, đan võng thơm tàu, sản xuất dầu dừa, dầu rái... đã mất hẳn. Một số nghề khác, tuy còn tồn tại, nhưng số hộ tham gia đã giảm mạnh, chỉ là lấy công làm lời, thu nhập chẳng bao nhiêu.

Nhưng cũng như ở nhiều làng nón khác, nghề làm nón ở Vĩnh Đức sẽ không mất, bởi nó không chỉ là nghề lúc nông nhàn, mà còn là một nét truyền thống của nhiều làng quê. Và chiếc nón lá vẫn còn gắn bó với người lao động, khi ra đồng cày ruộng, khi lên rẫy, lên nguồn…

Mai Lâm-Khánh Thiện - Báo Bình Định

Tin liên quan